Từng kiếm nghìn USD mỗi tháng nay kỹ sư bị nợ lương, về quê "cắm câu"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Từ chỗ nợ lương đến bị sa thải chóng vánh, nhiều nhân sự thuộc ngành công nghệ thông tin không tin nổi khi công việc mới đây "hái ra tiền" nay thành... hàng thanh lý.

Lương "thoi thóp thở"

"Giờ chúng tôi chỉ… thoi thóp thở. Bản thân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác đều đang bị nợ lương. Không ít người cũng đã phải ra đi trong đợt sa thải gần nhất", anh H.V. (23 tuổi, ngụ tại TPHCM), một nhân viên IT (kỹ thuật và phần mềm máy tính) ngán ngẩm khi nói về tình hình công việc.

Anh V. chia sẻ, đã làm việc trong ngành IT được gần 1 năm. Đã mấy tháng qua, anh và đồng nghiệp không được thanh toán lương 100%, mà bị chia ra 50% cho mỗi đợt trả.

Từng kiếm nghìn USD mỗi tháng nay kỹ sư bị nợ lương, về quê cắm câu - 1

Nhân viên IT hụt hẫng khi bước vào những tháng bị nợ lương, thiếu việc (Ảnh minh họa: N.T.A.).

Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, anh chỉ mới nhận được 50% lương tháng 5. Công ty còn nợ toàn bộ lương tháng 6 và 50% lương tháng 7.

"Tất nhiên là ảnh hưởng nhiều. Với một người chi tiêu ở mức trung bình như tôi thì chậm lương 1 tháng đã là vấn đề nan giải rồi. Bản thân tôi phải cắt hết các khoản vui chơi, giải trí vì tiền ăn còn không đủ", anh V. bộc bạch.

Trước đây, mỗi tháng thu nhập của V. dao động từ 15-18 triệu đồng từ lương cứng của công ty và các công việc tự do bên ngoài liên quan đến chuyên môn. Thế nhưng, giờ đây thu nhập của chàng IT chỉ từ 3-5 triệu đồng/tháng, dù đã cố "vét" hết việc để làm.

"May mắn tôi vẫn còn tiền tiết kiệm 1 ít để xoay sở. Nhưng đa số thì đều tìm cách quay về nhà bố mẹ để "lánh nạn" một thời gian", anh V. nói.

Không riêng gì V., chị V.A. (27 tuổi, ngụ tại TPHCM) là một nhân viên trong lĩnh vực BA (phân tích dữ liệu doanh nghiệp). Chị A. đã bị nợ lương trong 2 tháng qua.

Thông thường, A. sẽ nhận lương vào ngày 15 hàng tháng, nhưng nay đến cuối tháng mới được nhận. Không những vậy, số lương nhận được chỉ còn một nửa. Một nửa còn lại chị phải chờ đến cuối tháng kế tiếp mới được nhận trọn vẹn.

Thu nhập khi còn ổn định của chị A. lên đến 20 triệu đồng/tháng, giờ đây cố lắm cũng chỉ được 10 triệu đồng.

Từng kiếm nghìn USD mỗi tháng nay kỹ sư bị nợ lương, về quê cắm câu - 2

Ngành IT được cho là có thu nhập cao, được nhiều nhân sự lựa chọn, theo đuổi (Ảnh minh họa).

"Tính đến nay, công ty đã nợ 2 tháng lương. Chỉ nhận được 50% lương mỗi tháng, tôi lay lắt sống cả tháng. Công ty thì có người được nhận lương trước, người nhận sau", chị A. bộc bạch.

May mắn hơn những nhân sự khác, A. còn trụ được nhờ khoản tích góp với nguồn thu kinh doanh riêng. Ngoài ra, do gia đình sống tại TPHCM nên A. không phải tốn tiền thuê nhà.

"Một số đồng nghiệp phải đi thuê nhà chịu áp lực lớn hơn nhiều. Bạn tôi phải dày mặt ra xin nợ chủ trọ hoặc mượn bạn bè, xin bố mẹ. Các anh bên BOD (hội đồng quản trị doanh nghiệp) công ty tôi đi làm không lương 6 tháng rồi", A. trải lòng.

Vỡ mộng nghề... nghìn "đô"

Chị A. cho hay, không chỉ bị nợ lương, A. cũng đang trong giai đoạn bàn giao vì rơi vào diện cắt giảm nhân sự đợt này. Cô gái hiện đang tìm công việc remote (dạng công việc tự do, không cần lên văn phòng) để kiếm thêm thu nhập, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

"Công ty không đủ tài chính để duy trì trả lương bộ máy nữa. Thị trường IT, BA cũng ít hơn trước, khách hàng càng khó tính hơn, họ cũng đang gặp khó khăn về tài chính. Nhiều biến động về chính trị khiến dòng tiền bị ảnh hưởng, khiến việc thanh toán lương bị trì hoãn", chị A. nói.

A. không khỏi hụt hẫng so với kỳ vọng ban đầu về công việc vốn được coi là "hái ra tiền" này. 

"Về định hướng tương lai, tôi không quá lo lắng bởi nghề IT sẽ còn phát triển. Các công nghệ mới như AI đang dần phổ biến hơn nên ngành này sẽ còn cơ hội để vực dậy. Giai đoạn này công việc chững lại chút vì tình hình kinh tế suy thoái, cũng là cơ hội để nhân sự trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng", A. tâm niệm.

Từng kiếm nghìn USD mỗi tháng nay kỹ sư bị nợ lương, về quê cắm câu - 3

Không ít nhân viên IT vẫn còn đặt nhiều hi vọng cho đợt phục hồi của ngành sắp tới (Ảnh minh họa: Getty).

Với H.V, khó khăn chủ yếu do khách hàng của công ty chưa thanh toán hợp đồng. Trong đó, có đối tác hiện đang bị phong tỏa tài sản hoặc đang phải xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính. Một số dự án của công ty vẫn chưa đến thời điểm nghiệm thu lấy tiền.

Buổi sáng, khi có quyết định cắt giảm nhân sự, không khí ở văn phòng chùng xuống. Phòng làm việc của V. bị cắt giảm gần hết, chỉ giữ lại 2 người. 

Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin sau mấy năm học hành, V. tính sơ đã tốn khoảng 77 triệu đồng học phí cho mỗi năm học. Nhưng tình hình này, thu nhập chưa biết bao giờ đủ thu hồi vốn khiến V. không khỏi thất vọng.

"Nếu tình hình còn tiếp diễn, tôi sẽ tìm một công việc khác vì không thể trụ nổi thêm cảnh đi làm không lương", V. quyết tâm.