Từ năm 2021: Chủ nhà phải ký HĐLĐ bằng văn bản với người giúp việc gia đình

(Dân trí) - Chính phủ vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về lao động là người giúp việc gia đình, trong đó có nhiều nội dung có tính chặt chẽ hơn trong giao kết giữa chủ nhà và người giúp việc gia đình.

Theo dự thảo, Nghị định quy định về lao động là người giúp việc gia đình sẽ quy định một số nội dung về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và giải quyết tranh chấp lao động đối với người lao động là người giúp việc gia đình theo quy định của Bộ luật Lao động.

Trong dự thảo Nghị định, Điều 3 quy định rõ về hợp đồng lao động. Cụ thể, người lao động và người sử dụng lao động giao kết và thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại chương III của Bộ luật Lao động. Trong đó hình thức hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản theo quy định tại khoản 1 Điều 162 của Bộ luật Lao động.

Từ năm 2021: Chủ nhà phải ký HĐLĐ bằng văn bản với người giúp việc gia đình  - 1

Ảnh có tính hoạ (Nguồn: Internet)

Dự thảo Nghị định nêu rõ, trước khi ký kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 16 của Bộ luật Lao động.

Người sử dụng lao động phải cung cấp rõ các thông tin về số lượng thành viên trong hộ gia đình, điều kiện ăn, ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động.

Nội dung cụ thể của hợp đồng lao động do hai bên thỏa thuận căn cứ theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này và quy định tại khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động.

Theo dự thảo, trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, mỗi bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.

Liên quan tới quy định về tiền lương. Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về mức lương, thưởng và thực hiện chi trả tiền lương, tiền thưởng theo quy định tại Chương VI trừ quy định tại Điều 92, Điều 93 của Bộ luật Lao động.

Mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động (nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.

Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), tối đa không quá 50% mức lương ghi trong hợp đồng lao động.

Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật Lao động do hai bên thỏa thuận nhưng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng.

Theo dự thảo, người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm trả cho người lao động một khoản tiền bằng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động.

Dự thảo cũng quy định rõ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người giúp việc. Theo đó, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động giúp việc gia đình thực hiện theo quy định tại Chương VII Bộ luật Lao động, trong đó người sử dụng lao động phải bảo đảm cho người lao động được nghỉ hằng tuần quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày; nghỉ ít nhất 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục.

Nếu được thông qua, Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Đồng thời, Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. 

Minh Anh