TPHCM:
Covid-19 khiến nhân viên đi giúp việc, giám đốc ...chạy xe công nghệ
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động trong nhiều ngành dịch vụ tại TPHCM phải nghỉ việc không lương. Họ đang bươn trái bằng đủ thứ nghề tay trái để có thu nhập duy trì cuộc sống.
Làm đủ thứ nghề
Hơn 6 năm làm trong ngành bất động sản, Nguyễn Thị Noa (quê Bình Thuận) luôn được bình chọn là nhân viên suất xắc của công ty. Thu nhập của Noa dao động hơn 20 triệu đồng/tháng.
Từ trước Tết, do ít việc nên công ty cho nhân viên nghỉ sớm nên thu nhập của Noa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sau Tết, Noa vào TPHCM chuẩn bị bắt đầu công việc thì công ty thông báo cho nghỉ tiếp để phòng chống dịch Covid-19, chưa rõ thời gian làm lại.
Nghe "tin sét đánh", chị "tím tái mặt mày" không biết xoay đâu ra tiền để trả lãi ngân hàng và lo cuộc sống những ngày nghỉ việc.
Sau gần 2 tuần "ngồi chơi xơi nước", Noa được bà chị rủ qua bán cà phê, nước cam rồi nhận thêm quần áo, mỹ phẩm về bán online.
Cách đây 1 tháng, tổng thu nhập vẫn chưa đủ trả lãi cho khoản vay đầu tư đất đai trước đó, Noa nhận thêm việc giúp việc nhà theo giờ để tăng thu nhập. Mỗi ngày chị dậy từ 5h sáng để làm việc rồi trở về nhà khi trời tối mịt.
"Mấy ngày đầu thì cũng mệt vì sáng sớm tranh thủ chạy ra chợ mua cam về vắt rồi đóng chai rồi đi giao tới tầm 8h. Trong lúc giao hàng nước cam thì tranh thủ giao luôn mỹ phẩm cho khách. Từ 10h thì bắt đầu mở app (phần mềm việc làm) lên để nhận việc, mỗi giờ làm giúp việc cũng được 60.000 đồng - 80.000 đồng. Có ngày làm đến 10h đêm mới về...", Noa tâm sự.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin, thị trường lao động TPHCM, dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Trong đó, các ngành nghề chịu tác động lớn nhất là du lịch, bất động sản, nhà hàng - khách sạn, thương mại, tiêu dùng, vận tải, giáo dục...
Khoảng 2 tuần trở lại đây, công việc giúp việc nhà cũng ít người nhận nên Noa chuyển qua bán yến chưng.
Từ khi bán sản phẩm này, mỗi ngày Noa chỉ ngủ được từ 3 - 4 tiếng vì công việc nhặt lông yến mất nhiều thời gian. Khoảng 2 tháng nay, Noa giảm liền 4,5 kg vì ngủ không đủ giấc và ăn uống thất thường.
"Không biết khi nào mới đi làm trở lại nên mình phải cố gắng thôi. Mong sao tình hình dịch bệnh sớm trả lại để ổn định cuộc sống chứ như bây giờ vất vả quá", Noa bộc bạch thêm.
Câu chuyện của Noa cũng giống nhiều nhân viên bất động sản đang rơi vào tình trạng tương tự trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biễn phức tạp.
Giám đốc chạy thêm taxi công nghệ
Covid-19 không chỉ buộc nhân viên bất động sản chuyển việc, nhiều sếp của doanh nghiệp nhỏ cũng phải toát mồ hôi làm thêm đủ nghề để có thu nhập, trang trải chi phí.
Anh Huy - Giám đốc công ty du lịch tại quận Tân Bình, chia sẻ: "Mỗi tháng, công ty tôi phải chi phí mặt bằng công ty, tiền lương nhân viên ít nhất là 40 triệu đồng. Đây là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp nhỏ. Từ Tết đến giờ công ty chưa có một tour nào để chạy việc. Nhân viên thì chuyển qua bán khẩu trang, nước sát khuẩn... để kiếm sống".
Không chỉ nhân viên, anh Huy cũng trực tiếp phải làm thêm công việc lái taxi công nghệ.
"Ở nhà hoài cũng chán vì quen đi khắp nơi rồi. Đường trong thành phố mình cũng thông thạo nên chạy taxi cũng không khó khăn gì. Mình mới chạy được một thời gian thì TPHCM tạm ngưng dịch vụ taxi công nghệ, chắc phải kiếm thêm việc khác để làm", anh Huy kể.
Tương tự câu chuyện của anh Huy, chị Thục Anh - Giám đốc công ty du lịch V.X, cũng chưa lúc nào gặp không ít khó khăn. Với gần 10 năm làm nghề, chị Thục Anh chưa bao giờ chịu phải áp lực "cơm áo gạo tiền" lớn như lúc này.
"Hầu hết anh em đều ở quê vào TPHCM lập nghiệp, mang danh là giám đốc nhưng nhiều người cũng phải vay mượn khắp nơi để mua nhà, trả chi phí công ty. Tình hình chung vậy cũng không biết phải xoay sở ra sao, cứ làm thêm được gì thì mình làm. Tôi cùng với nhóm bạn đang tính bán sản phẩm nước suối tăng sức đề kháng để có thêm thu nhập qua lúc khó khăn này", chị Thục Anh cho biết thêm.
Theo Hiệp hội du lịch TP HCM, du lịch đang là ngành chịu thiệt hại nặng nề. 100% doanh nghiệp ngành này đang đứng bên bờ vực khủng hoảng do dịch bệnh. Hiện, công suất phòng của các khách sạn ở Hà Nội, TP HCM bị giảm từ 40% đến 70%.
Các điểm du lịch nổi tiếng như Sapa, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang hay các công ty lữ hành tại TP HCM, Vịnh Hạ Long cũng ghi nhận sụt giảm khoảng 50-70% công suất so với trước khi dịch xảy ra...
Xuân Hinh