Từ khoản nợ 60 triệu, cô gái thành bà chủ 3 quán chay sau 3 năm khởi nghiệp
(Dân trí) - 4 tháng đầu sau khi dùng căn nhà trọ làm quán lẩu chay, có lúc Hằng Thị không còn nổi 200 nghìn để mua nguyên liệu cho ngày mai. Nhưng sau đó, mỗi năm cô gái quê Gia Lai lại khai trương một quán mới.
Khởi nghiệp với khoản nợ
Nguyễn Thị Hằng Thị, 29 tuổi, là một cô gái thích ăn chay từ thời sinh viên. Khi đang theo học trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TPHCM, Hằng Thị sống ở khu đô thị Đại học Quốc Gia (Dĩ An, Bình Dương), ở đó rất ít quán bán đồ chay. Muốn ăn đồ chay, cô gái phải đi bộ rất xa. Tại những quán tìm được thì dĩa cơm chay bình dân cũng sử dụng hầu hết nguyên liệu chế biến sẵn, ít rau củ, cơm thì khô cứng, khó nuốt. Vậy là ngày qua ngày, ước mơ mở một quán chay, lan tỏa việc ăn rau củ nhiều hơn của cô sinh viên một lớn dần.
Sau khi ra trường, Hằng Thị từng làm tại hai công ty trước khi quyết định bỏ ngang để khởi nghiệp với việc mở quán. Không có vốn, không có kinh nghiệm trong việc kinh doanh, thậm chí không giỏi nấu ăn, gia đình cô một mực ngăn cản.
"Nhưng đó chỉ là lý do phụ, cái chính là bố mẹ sợ mình sẽ đi tu vì thấy mình thích ăn chay, học về Phật pháp. Đó là lúc mình cô đơn, chơi vơi nhất", cô gái cho biết.
Một ngày năm 2018, Hằng Thị rời quê lên Sài Gòn, âm thầm tìm mặt bằng với vỏn vẹn 4 triệu đồng trong túi. Thuê được căn trọ gần cuối đường ít dân cư, đất đá lởm chởm với giá 2,5 triệu/ tháng, Hằng Thị đánh liều vay thêm của người quen số tiền 60 triệu đồng để khởi nghiệp.
Thấy cô gái một hình hì hục dọn nhà, khuân bàn ghế, chén dĩa cũ về, hàng xóm bàn ra: "Chỗ này ai ăn chay đâu. Trước đây chỗ này là quán cà phê nhưng rồi chủ cũng bỏ cuộc, sang nhượng mặt bằng vì vắng người…".
Hằng Thị chỉ nghe, rồi tiếp tục âm thầm làm.
Để tiết kiệm chi phí, cô gái xin những mảnh xốp bỏ đi của hàng xóm về cắt thành hình bông sen trang trí trong quán. Thấy chiếc chiếu trúc ai đó bỏ đi bên vỉa hè, cô cũng gom về chế thành chiếc mành treo. Tất cả những đồ dùng trong quán cô đều hỏi mua đồ cũ… Bố mẹ ở quê biết không thể cản con, đành gửi lên cho cô một con dao, một bếp gas cũ để cô dùng nấu nướng.
4 tháng đầu tiên là thời điểm vất vả nhất với cô gái một mình khởi nghiệp. Mỗi ngày, Hằng Thị đi chợ đầu mối từ 4 giờ sáng mua nguyên liệu nhưng vì chưa quen ước lượng nên cô thường mua dư nhiều. Chưa kể, các đầu mối giao hàng kém chất lượng, không thể sử dụng hay việc "vừa bán vừa cho" để thu hút khách hàng khiến những đồng vốn vay mượn thâm hụt dần.
Có ngày, bà chủ chỉ còn 200k trong túi, không đủ mua nguyên liệu nấu cho ngày tiếp theo. Sau một ngày vắng khách, tối đến dọn quán, Hằng Thị một mình tủi thân ngồi khóc. Lúc đó cô mới thấm, con đường khởi nghiệp bằng cách mở quán chay của bản thân khó khăn đến nhường nào.
Thực tế, những thử thách không chỉ dừng lại ở đó. Hằng tự nhận thấy, món ăn của mình chưa thật sự ngon, hấp dẫn. Những ngày đầu, nồi lẩu chay của cô trông chẳng khác nồi rau luộc là bao. Vậy là Hằng phải tự trau dồi thêm kiến thức về nấu nướng, thử nhiều công thức, kết hợp nhiều loại rau củ, sáng tạo thêm nhiều món mới cho riêng mình. Đặc biệt, Hằng Thị hạn chế việc sử dụng những thực phẩm chay chế biến sẵn.
"Động lực duy nhất để mình tiếp tục đó là ước mơ được ăn chay ngon, gieo duyên ăn chay đến nhiều người", Hằng Thị chia sẻ.
Thế là khóc xong, cô gái tự lau nước mắt, vay mượn thêm người quen một chút vốn, tiếp tục duy trì quán.
Đến tháng thứ 5, những đơn mang đi của cô đã tăng lên. Bà chủ trẻ tận tay nắn nót viết từng câu chúc tốt lành giao kèm những phần ăn đến khách.
Sau đó, mỗi ngày cô có cả trăm đơn đặt món. Đây cũng là lúc những nhân viên đầu tiên được tuyển vào quán. Vào ngày rằm, quán chay nhỏ của Hằng Thị đông nghịt khách, bếp làm món không kịp.
Từ món lẩu như nồi rau luộc đến "cộng đồng" quán chay
Tháng 11/2018, Hằng Thị mở thêm một quán chay khác cũng trong khu đô thị Đại học Quốc gia. Lúc này, Hằng đưa ba mẹ, rồi sau này là cả em trai từ quê lên Sài Gòn để cùng phụ quán. Cũng năm đó, cô gái đã trả hết số nợ vay để khởi nghiệp.
Sau gần 4 năm, cô trở thành chủ của 3 quán chay, trong đó có một quán vừa khai trương đầu năm 2022 tại Đà Lạt.
"Ba mẹ đã thay đổi cách nhìn về việc "ăn chay là khổ". Ba mẹ vào Sài Gòn làm cùng mình, cả nhà kiếm được nhiều tiền hơn, cuộc sống đỡ vất vả hơn, thoát được cảnh làm nông vất vả sớm tối", Hằng Thị chia sẻ.
Không chỉ khởi nghiệp thành công, giúp đỡ được gia đình mà Hằng Thị còn sẵn lòng tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho bất cứ ai muốn mở quán ăn chay. Từ một nhóm nhỏ trên Facebook lưu lại những hình ảnh, kỷ niệm của cô trong hành trình mở quán, đến nay group của cô đã có hơn 6000 thành viên cùng chia sẻ bí quyết khởi nghiệp quán chay. Cô gái "trái tính" đã hỗ trợ được hàng chục chị em phụ nữ, mẹ bỉm sữa khác mở quán chay thành công.
Chị Nguyện, 29 tuổi, chủ một quán chay ở Bình Dương cho biết, nhờ Hằng Thị mà chị có động lực mở quán và kinh doanh thuận lợi.
"Dù chỉ quen biết qua Facebook nhưng cô ấy luôn hỗ trợ tôi hết mình, từ kinh nghiệm những ngày đầu bán online cho đến việc nhập nguyên liệu, mua đồ dùng, chỉn chu từng tấm hình chụp món ăn… Mình khâm phục Hằng Thị việc dám từ bỏ công việc ổn định để bắt đầu hành trình hiện thực hóa đam mê ở lĩnh vực mới", chị Nguyện cho biết.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Hằng Thị tự nhủ, cô biết ơn mọi nhân duyên đến với mình, dù đó có thể là thuận lợi hay khó khăn.
"Miễn mình đặt tâm huyết vào việc đang làm, nấu ăn bằng cả trái tim và nêm nếm bằng tấm lòng thì khách hàng sẽ cảm nhận được. Một vị khách quay lại đã là chút thành công trên suốt chặng đường thể nghiệm của mình", Hằng Thị tâm niệm.