1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Từ 1/7: “Tăng phí chứ không tăng mức đóng BHYT”

Nhận định của Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN), việc điều chỉnh lương cơ sở từ 1/1/2017 lên 1.300.000 đồng sẽ làm tăng thêm khoảng 7,3 % mức phí tham gia BHYT hộ gia đình.

Theo ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN), việc tăng phí tham gia BHYT hộ gia đình do mức lương cơ sở tăng. Điều này khác với tăng mức đóng, vì sẽ liên quan tới tỷ lệ phần trăm đóng BHYT trên mức lương.

Giải thích về điều này, ông Lê Văn Phúc nói: Luật BHYT và được Chính phủ quyết định mức đóng BHYT. Theo đó, mức đóng BHYT có “dư địa” tăng tối đa tới 6% mức lương cơ sở và mức đóng mỗi thời kỳ do Chính phủ quyết định. Mức đóng BHYT đang được quy định bằng 4,5% mức lương cơ sở.

“Năm 2016, Nghị quyết số 27/2016/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2017” - ông Lê Văn Phúc nói về cơ sở tăng mức phí.

BHXH VN khẳng định, hết năm 2017 chưa tăng mức đóng BHYT, vẫn duy trì ở mức 4,5% của mức lương cơ bản.

Theo quy định của Chính phủ, mức lương cơ sở hiện là 1.210.000 đồng/tháng. Theo quy định tại điểm G Khoản 1 Điều 2 của Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT đã nêu rõ: Người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ đóng phí BHYT theo tháng ở mức 4,5 % lương cơ sở. Từ người thứ 2 tới thứ 4, mức phí sẽ lần lượt bằng 70%, 60 % và 50 % mức tham gia của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi, mức tham gia chỉ còn 40 % mức tham gia của người thứ 1.

Theo ông Lê Văn Phúc, với quy định điều chỉnh mức lương cơ sở mới từ 1/7/2017, mức tham gia BHYT hộ gia đình sẽ tăng thêm trung bình 7,4 %, với công thức mua không đổi như trên.

Về số tiền tăng, ông Lê Văn Phúc cho biết, theo mức lương cơ sở mới, mức đóng BHYT từ 1/7 sẽ là 702.000 đồng, tức phí BHYT tăng lên khoảng 50.000 đồng/người/năm.

Tuy nhiên, nếu tham gia theo hộ gia đình thì người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Như vậy tham gia theo hộ gia đình thì mức đóng chỉ tăng thêm khoảng 20.000 đồng - 50.000 đồng/người/năm. “Mức tiền tăng trên không ảnh hưởng nhiều tới các hộ gia đình” - ông Lê Văn Phúc nói.

Phân tích cụ thể tới các nhóm đối tượng tham gia BHYT, ông Lê Văn Phúc cho rằng những người thuộc hộ gia đình nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng, người cận nghèo thì được hỗ trợ 70% mức đóng. Do vậy, việc tăng mức đóng BHYT thêm 7,4% không ảnh hưởng gì tới người nghèo, cận nghèo. Với nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình thuộc hộ nông - lâm - ngư - diêm nghiệp và những hộ có mức sống trung bình, Nhà nước đã hỗ trợ 30% mức đóng.

Thống kê của BHXH VN, tới tháng 5/2017, chính sách BHYT đã bao phủ đến 82% dân số. Số còn lại có nhiều lý do chưa tham gia: Điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích BHYT…Theo ông Lê Văn Phúc, để tăng đối tượng tham gia BHYT, các cơ quan chức năng cần nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh BHYT, cải cách thủ tục hành chính và minh bạch hơn trong chi phí. Bên cạnh đó cần cải cách thủ tục hành chính nhằm giúp người bệnh dễ dàng hơn khi tham gia BHYT.

Văn Lịch

Tin liên quan:

Từ 1/7: 5 nhóm đối tượng đóng BHXH theo lương cơ sở 1.300.000 đồng

Theo BHXH VN, từ ngày 1/7/2017, mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) và thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN sẽ được điều chỉnh ở một số nhóm đối tượng. Căn cứ của điều chỉnh trên là việc nâng mức tiền lương cơ sở từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng.

Nhóm đối tượng đầu tiên điều chỉnh mức đóng BHXH là những lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 47/2017/NĐ-CP. Tiếp theo là nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đối tượng hưởng chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2, Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH năm 2014. Nhóm đối tượng thứ 4 là các viên chức quản lý chuyên trách, bí thư đảng ủy chuyên trách, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch công đoàn chuyên trách tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tham gia theo hệ số mức lương quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công. Cuối cùng là nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng sẽ lựa chọn để tính mức đóng BHXH dựa trên mức lương cơ sở mới 1.300.000 đồng.

H.V

Làm sao giảm tình trạng trục lợi từ quỹ BHYT

Trao đổi ngoài hành lang Quốc hội, các đại biểu đã khá bức xúc về tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế đang diễn ra rất phức tạp và trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Việc trục lợi một phần do Bộ Y tế vẫn chưa hoàn thiện các phác đồ điều trị các loại bệnh, do vậy việc chỉ định đúng và đủ các xét nghiệm lâm sàng vẫn chưa thành quy củ. Mặt khác, vấn đề phân tuyến cần với các dịch vụ kỹ thuật tại các tuyến không đồng đều, dẫn đến người dân bao giờ cũng có xu hướng chuyển dịch lên chuyến trên có trang thiết bị và trình độ tốt hơn”. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế xuất hiện càng nhiều, nguy cơ vỡ quỹ càng lớn sau khi có quy định về thông tuyến khám bảo hiểm y tế. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này. Trong đó, nâng cao trách nhiệm của các bệnh viện trong vấn đề kiểm soát khám chữa bệnh. Được biết, cả nước có hơn 70 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm trên 80%. Mỗi năm, quỹ bảo hiểm y tế đảm bảo nguồn tài chính chi trả cho người dân từ 50 - 60.000 tỷ đồng để khám, chữa bệnh.

V.B

Đi nước ngoài có được nhận trợ cấp thất nghiệp không?

Ông Nguyễn Xuân Hải (Nha Trang), hỏi: Tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp 06 tháng, từ ngày 09/9/2017 đến ngày 08/3/2018. Tháng 01/2018 tôi cùng gia đình sang nước ngoài để định cư. Như vậy, tôi có được nhận trợ cấp 1 lần không? nếu không thì tôi có được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không?

Trả lời:

Theo Luật Việc làm thì không còn quy định về hưởng trợ cấp 1 lần. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 53 Luật việc làm thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 53 Luật việc làm thì người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do ra nước ngoài để định cư không thuộc một trong các trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện theo quy định.

O.A