Từ 1/1/2018: Lương tối thiểu tăng thêm từ 180.000 - 230.000 đồng

(Dân trí) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ ngày 1/1/2018, lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng thêm từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương.

Từ 1/1/2018: Lương tối thiểu tăng thêm từ 180.000 - 230.000 đồng - 1

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2018 như sau: Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng; vùng II: 3.530.000 đồng/tháng; vùng III: 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000-230.000 đồng/tháng.

Nghị định 141/2017/NĐ-CP cũng nêu rõ, địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.


Mức tăng lương tối thiểu của năm 2018, so với năm 2017.

Mức tăng lương tối thiểu của năm 2018, so với năm 2017.

Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Trước đó, ngày 7/8 tại Hà Nội, cuộc họp lần 3 của Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5 % so với mức của năm 2017, tương đương với việc tăng từ 180.000 - 230.000 đồng trong 4 vùng lương. Mức đề xuất này là căn cứ để Hội đồng tiền lương Quốc gia trình Chính phủ xem xét và ban hành Nghị định 141/2017/NĐ-CP.

Đối tượng điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 1/1/2018

Theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

Hoàng Mạnh