1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Trồng vườn rau rừng giữa phố, ai ngờ bán đắt như tôm tươi

Nắm bắt nhu cầu sử dụng rau rừng ngày càng cao, ông Đèo Văn Thiện (SN 1951, thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã đầu tư trồng rau dớn rừng, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Đến nhà ông Thiện, nhiều người sẽ bất ngờ khi thấy vườn rau dớn (loài rau mọc dại trong rừng) xanh mơn mởn đung đưa trước gió. 

Ông Thiện cho biết, gia đình vốn làm nghề trồng rau truyền thống. Ba năm trước, ông nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau rừng, nhất là rau dớn cao nên mua giống về trồng thử. 

Trồng vườn rau rừng giữa phố, ai ngờ bán đắt như tôm tươi - 1

Rau dớn rừng được ông Thiện (hôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) trồng trong vườn. Mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 100 triệu đồng từ vườn rau dớn rừng.

Nhờ đất tốt, chăm sóc cẩn thận nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, sau 2 tháng trồng, rau dớn bắt đầu cho thu hoạch. Rau dớn vốn là loại rau dại mọc trong rừng nên sống rất khỏe, chỉ cần lên luống, giâm nhánh là cây bén rễ, sinh sôi.

Quy trình chăm sóc cũng khá đơn giản, người trồng chỉ cần tưới nước, nhổ cỏ, bón phân sinh học là đủ, không phải dùng các biện pháp phun xịt thuốc bảo vệ thực vật vì loại rau này có sức đề kháng cao. 

Thấy chi phí đầu tư trồng rau dớn thấp, trồng 1 lần cho thu hoạch nhiều đợt, lại cho năng suất cao, ông Thiện nhân rộng thành 3 sào. 

Trung bình 1 sào rau dớn cho thu hoạch một tạ/lần/tuần, giá bán tại vườn tùy theo từng thời điểm, dao động từ 12-25 nghìn đồng/kg. Với 3 sào rau dớn, bình quân mỗi năm ông thu về hơn 100 triệu đồng, tính ra vẫn có lời hơn so với các loại rau khác.

Tuy nhiên, không phải ai trồng rau dớn cũng thành công, có người trồng được thời gian đầu, về sau rau chết dần mà không rõ nguyên nhân. 

Trồng vườn rau rừng giữa phố, ai ngờ bán đắt như tôm tươi - 2

Rau dớn rừng thuộc họ cây dương xỉ-loài thực vật mọc hoang dại rất nhiều trong các cánh rừng.

Theo ông Thiện, để rau dớn không bị chết hoặc nhiễm sâu bệnh, đầu tiên phải chọn nguồn giống tốt, tiếp đến loại bỏ mầm mống sâu bệnh trong đất, tưới nước đủ lượng, cắt rau đúng thời điểm… Sau một năm phải nhổ bỏ cây giống cũ, trồng lại cây mới; thường xuyên luân canh cây trồng để hạn chế tình trạng mất cân đối chế độ dinh dưỡng trong đất.

Yếu tố quan trọng không kém là tìm đầu ra ổn định cho rau, bởi rau dớn có vị hăng, nhơn nhớt, ai chưa quen rất khó ăn nên không bán đại trà như các loại rau thông thường ngoài chợ. 

Rau rừng tiêu thụ mạnh chủ yếu trong các nhà hàng, khách sạn để phục vụ cho thực khách ưa hương vị độc, lạ. Rau rừng nhà ông Thiện thường bán sỉ cho các đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột… 

Có đầu ra ổn định, ông Thiện chuyên tâm chăm sóc, giữ vững mùi vị vốn có của rau dớn rừng. Rau dớn dù mọc hoang ở rừng hay trồng trong vườn đều có hoạt chất, hàm lượng chất dinh dưỡng như nhau nếu ta để rau phát triển tự nhiên, không chất hóa học, cắt đúng thời điểm ...

Theo danviet.vn