Trồng măng tây ở bãi sông, thu “tiền tươi” mỗi ngày

Sau gần 3 năm trồng thí điểm cây măng tây xanh trên vùng đất bãi màu ven sông Hồng, nhiều hộ nông dân (ND) xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Cây trồng mới trên đất bãi

Với 2 sào trồng măng tây xanh, gia đình anh Đồng Văn Quang thu nhập gần 80 triệu đồng/năm. Ảnh: Thu Hà
Với 2 sào trồng măng tây xanh, gia đình anh Đồng Văn Quang thu nhập gần 80 triệu đồng/năm. Ảnh: Thu Hà

Hiện, tổng diện tích trồng măng tây trên địa bàn xã Hồng Thái tăng gấp 6 lần so với thời điểm bắt đầu thí điểm mô hình. Để tiến tới xây dựng thương hiệu “măng tây xanh sạch Hồng Thái”, Hội ND xã đã mở các lớp tập huấn hướng dẫn bà con sử dụng các loại phân bón hữu cơ và dùng các chế phẩm sinh học” - Ông Tạ Đình Căn – Chủ tịch Hội ND xã Hồng Thái

Ông Tạ Đình Căn – Chủ tịch Hội ND xã Hồng Thái cho biết, đầu năm 2013, huyện Phú Xuyên tổ chức cho các cán bộ xã đi tham quan, học tập mô hình trồng măng tây xanh ở Nghệ An.

Nhận thấy đây là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, Đảng ủy, UBND đã giao Hội ND xã xây dựng mô hình thí điểm với diện tích 10,8ha trên đất màu ven sông Hồng để làm tiền đề cho kế hoạch phát triển 50ha rau sạch của địa phương.

“Thời điểm đó, măng tây xanh còn khá mới mẻ với người dân. Vốn chỉ quen với cây màu truyền thống nên dù được hỗ trợ vốn, nhiều hộ vẫn băn khoăn về hiệu quả kinh tế, nhất là vấn đề đầu ra của măng tây xanh” - ông Căn thổ lộ.

Hội ND xã đã tổ chức các chuyến đi thực tế mô hình cho hội viên, ND. Hội còn phối hợp các doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng măng tây xanh; cung ứng giống và cam kết bao tiêu sản phẩm. “Dù mới “bén duyên” gần 3 năm, nhưng cây măng tây đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều ND đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Thị trường tiêu thụ rất thuận lợi, các thương lái trực tiếp về tận nơi thu mua. Không chỉ thế, ND còn chủ động được nguồn giống mà không cần nhập từ công ty như trước” - ông Căn cho hay.

Thu nhập cao gấp 10 lần so với ngô

Là một trong những gia đình tiên phong trong việc chuyển đổi từ cây ngô sang trồng măng tây xanh, hộ bà Phan Thị Điệu, thôn Duyên Yết là minh chứng cho hướng đi đúng. Bà Điệu cho biết: “Tháng 9.2013, sau khi đi thực tế thấy các mô hình trồng măng tây xanh cho thu nhập cao, tôi đã quyết định thuê đất bãi đầu tư trồng 20 sào măng tây xanh. Cây hợp đất, khí hậu, phát triển tốt nên sau 1 năm trồng, tôi đã mở rộng quy mô trồng lên gần 60 sào”.

Theo bà Điệu, kỹ thuật trồng măng tây xanh không quá phức tạp. Sau khi ươm giống cây trong bầu khoảng 3 tháng thì mang ra trồng. Trước khi trồng, cần phải lên luống cao khoảng 30cm, bón lót bằng phân chuồng hoai mục. Khoảng cách hàng cách hàng 80cm, cây cách cây 40cm. Măng tây xanh có thân mỏng manh, nên khi cây cao 40cm cần phải cắm cọc để tránh cây bị đổ ngã.

“Sau 6 tháng trồng, măng tây xanh bắt đầu cho thu bói. Trung bình mỗi sào măng tây cho thu hoạch gần 6 tạ/năm, mang về hơn 40 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với trồng ngô. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi lãi hơn 200 triệu đồng từ trồng măng tây xanh” - bà Điệu khẳng định.

Học hỏi từ mô hình của bà Điệu, gia đình anh Đồng Văn Quang cùng thôn cũng quyết định chuyển đổi 2 sào trồng ngô, lạc sang măng tây xanh từ năm 2014. Anh Quang thổ lộ: “Trồng măng tây xanh thích nhất là có “tiền tươi” hàng ngày. Với 2 sào trồng măng tây xanh, gia đình tôi có khoản tiền hơn 500.000 đồng/ngày. Tuy măng tây xanh có thể thu hoạch ròng cả tháng, cả năm nhưng tôi chỉ thu hoạch khoảng 25 ngày/tháng, 6 tháng/năm, còn lại để cây “hồi sức”.

Theo Danviet.vn