Trồng loại cỏ lạ, thu hoạch từ lá đến rễ, tháng kiếm hàng chục triệu đồng
(Dân trí) - Biết về loại cỏ Vetiver trong một cuộc hội thảo, anh Thao tìm mua giống, đưa về quê trồng. Không ngờ, loại cỏ lạ này đã giúp anh tạo dựng cơ nghiệp, mỗi tháng thu về hàng chục triệu đồng.
Về xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) hỏi chàng nông dân 9X Đỗ Văn Thao (SN 1991) ai cũng biết. Mọi người thường gọi anh với cái tên trìu mến là Thao cỏ "lạ". Vì 5 năm qua, anh gắn bó với nghề trồng cỏ, không chỉ làm giàu cho chính mình mà còn giúp người dân địa phương có việc làm, thu nhập.
Anh Thao kể, năm 2017 được tham dự hội thảo về chống biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Tại đây, anh mới biết đến loại cỏ Vetiver có vai trò quan trọng với môi trường, giúp chống xói mòn đất, chống sạt lở, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng.
Chưa hết, loại cỏ cực lạ xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1999 nhưng ít người biết đến này không chỉ có giá trị với môi trường mà có nhiều tác dụng khác vì tinh dầu rất quý hiếm.
Nghĩ ngay đến việc đất quê mình quanh năm cỏ mọc tốt um tùm hơn các cây trồng khác, bố mẹ và bà con nông dân một nắng hai sương với đủ thứ cây trồng cũng không đủ ăn, anh Thao tìm hiểu và quyết mua giống loại cỏ lạ này đưa về quê trồng, với hy vọng đổi đời.
"Lúc mình đưa cỏ về trồng, người dân ai cũng cười không ngớt. Ai cũng bảo quê thiếu gì cỏ mà giờ lại đưa cây cỏ lạ hoắc này về. Liệu có làm nên cơm cháo gì hay rồi cỏ lạ này lại xâm lấn ruộng đồng, lúc đó lại khổ cả xã" - anh Thao nhớ lại.
Thời điểm đó, cây cỏ Vetiver là cái tên xa lạ với người dân xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh và cả tỉnh Ninh Bình. Tại địa phương chưa có ai trồng loại cỏ này. Vì thế, không một người nào tin cây cỏ lạ này sẽ mang về giá trị kinh tế cao. Còn anh Thao thì cứ âm thầm thực hiện đam mê của mình.
"Lúc đầu mình cũng mơ hồ về cây cỏ này nên chỉ dám trồng 3 sào trên diện tích đất của gia đình để thử nghiệm. Khi đó chưa có kinh nghiệm, cỏ chết nhiều, trồng đến đâu chết đến đó. Có lúc mình nhụt ý chí, nhưng vì lời ra tiếng vào nên mình quyết tâm làm bằng được" - anh Thao tâm sự.
Luôn có bố mẹ, vợ con bên cạnh động viên nên một thời gian sau, anh Thao cũng đã thuần phục, trồng thành công loại cỏ lạ trên chính mảnh đất quê mình. Đến thời điểm hiện tại, anh Thao đã thành công ngoài mong đợi nhờ giống cỏ lạ này.
"Cỏ Vetiver từ lúc trồng đến lúc thu hoạch rễ khoảng một năm. Nếu tách cây bán giống thì chỉ cần 7 tháng. Trồng cỏ này chẳng khác gì trồng lúa nhưng năng suất, thu nhập thì cao gấp 2-3 lần trồng lúa" - anh Thao khẳng định.
Chàng nông dân 9X tính nhẩm, nếu trồng một sào cỏ Vetiver lấy rễ, sau một năm có thể thu khoảng 80kg rễ khô, giá bán là 200.000 đồng/kg. Mỗi sào trừ hết chi phí, thu nhập đã hàng chục triệu đồng. Chưa kể, nếu bán giống cỏ thì thu nhập cũng rất cao.
Hiện nay anh Thao đang trồng khoảng 2,5 ha cỏ Vetiver tại địa phương. Trong đó, trong đó 1,5 ha anh khoán cho người dân trong xã làm, còn lại chừng 1 ha gia đình tự sản xuất.
Giống cỏ Vetiver đang trồng và chăm sóc được anh Thao cung cấp giống cho các công trình chống sạt lở, giúp bảo vệ hồ đập, kênh mương, đường bộ, bờ sông, bờ hồ thủy điện không bị bồi lấp… Mỗi năm, gia đình anh bán hơn 1,5 triệu cây cỏ Vetiver giống.
Để nâng cao thu nhập, anh Thao đã nghiên cứu và tự sản xuất ra loại nhang hương độc quyền từ loại cỏ lạ này. Đến nay, sau 4 năm, sản phẩm hương hồng hạc của gia đình anh đã có thương hiệu, bán rộng khắp cả nước.
Sản phẩm hương hồng hạc mà chàng trai 9X ở Ninh Bình đang sản xuất là loại sạch, không chứa hóa chất độc hại, an toàn cho người sử dụng nên được rất nhiều khách hàng đón nhận và ủng hộ.
Mỗi năm gia đình anh Thao bán ra thị trường khoảng 20 nghìn hộp hương, trừ hết chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng/tháng. Hiện cơ sở sản xuất của gia đình anh đang tạo công việc cho 5-7 lao động là người địa phương với mức thu nhập từ 150 - 300 nghìn đồng/người/ngày.
Anh Thao dự định sẽ phát triển thêm mô hình từ cây cỏ Vetiver là dùng lá cỏ làm nguyên liệu sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, mở rộng thị trường với sản phẩm hương nhang để xuất khẩu ra nước ngoài.