Chưng mắm tép với thịt heo bán vèo vèo, thu nhập vạn người mơ
(Dân trí) - Từ loại mắm được ủ bằng tép đồng tươi, chị Thanh đem chưng với thịt heo, tạo ra món ăn đậm chất quê. Nhờ nghề tay trái, chị gái quê Ninh Bình có thu nhập "vạn người mơ".
Đau đáu với mắm tép quê nhà
Sinh ra ở vùng chiêm trũng Gia Viễn (Ninh Bình), tuổi thơ của chị Nguyễn Thị Lệ Thanh (SN 1975) gắn bó với món mắm tép, được ủ bằng tép đồng tươi ngon. Món ăn quê hương ngấm vào máu thịt khiến chị dù theo chồng về ở thành phố nhiều năm vẫn không quên được hương vị quê nhà.
Khi nghề làm mắm tép có thời gian bị mai một, người quen bỏ nghề hàng loạt, chị Thanh lại tiếc, mỗi lần về quê đều tìm mua số lượng lớn mang lên phố làm quà. Chị tâm niệm việc làm dù nhỏ bé đó không chỉ giúp người làm mắm có thu nhập mà còn giúp duy trì được nghề truyền thống.
Chị Thanh luôn trăn trở, làm sao để mắm tép quê hương trở thành đặc sản, gây thương nhớ với tất cả mọi người. Từ đó, chị luôn ấp ủ phải làm điều gì đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản cho quê hương, cho bà con nông dân quê mình.
"Với quyết tâm giữ gìn và phát triển nghề truyền thống làm mắm tép của cha ông, tôi luôn học hỏi, tìm tòi, cuối cùng đã chế biến thành công món thịt chưng mắm tép và đưa món ăn này thành thương hiệu đặc sản của Ninh Bình" - chị Thanh kể.
Chị Thanh chia sẻ thêm, bình thường mắm tép nguyên chất, để mang đi xa bảo quản, vận chuyển rất khó. Món thịt chưng mắm tép dễ dàng mang đi khắp nơi trong và ngoài nước, có thể xách lên máy bay, mang ra cả nước ngoài. Điều kiện đó thuận lợi hơn cho việc lan tỏa món ăn nổi tiếng gắn với nghề truyền thống quê nhà.
Qua 5 năm, hiện chị Thanh đã cho "ra lò" 3 loại thịt chưng mắm tép đặc trưng theo khẩu vị phù hợp với 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Hiện tại, trung bình mỗi ngày cơ sở của chị Thanh sản xuất được từ 10 - 20 kg thịt chưng mắm tép thành phẩm. Những tháng mùa đông là thời gian cao điểm sản xuất, bán hàng, mỗi ngày chị Thanh làm đến 30 - 40 kg. Với giá bán hiện nay từ 300 - 350.000 đồng/kg, chị gái Ninh Bình có được doanh thu đáng kể, vạn người mơ ước.
Giấc mơ xuất khẩu đặc sản
Chia sẻ về bí quyết tạo ra sản phẩm độc đáo, chị Thanh tiết lộ, yếu tố quyết định với một mẻ thịt chưng mắm tép chất lượng chính là ở khâu chọn nguyên liệu. Mắm tép được chị lấy từ những cơ sở sản xuất uy tín, có kinh nghiệm lâu năm ở Gia Viễn.
"Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại mắm tép nhưng để làm thịt chưng mắm tép ngon, phải ủ được những mẻ mắm đạt chuẩn, đủ ngày, màu mắm tép đỏ hồng tươi, mắm sánh đặc và có mùi thơm dịu nhẹ", chị Thanh nói.
Chị gái Ninh Bình cho biết thêm, đối với nguyên liệu thịt heo, các cơ sở cung cấp phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Loại thịt được chọn phải là nạc mông, nạc vai đầu giòn (nạc dăm); thịt ba chỉ (thịt rọi) cùng với mỡ khổ xay hạt lựu…
Nguyên liệu đầu vào là thế, nhưng thành công hơn cả là bí quyết chưng ra sản phẩm khi hoàn thành có màu nâu sậm, ngậy mà không ngấy ngán, thơm phức vị thịt lợn, hành phi quyện với vị mắm mặn đúng chất vùng quê Bắc Bộ, luôn làm gợi nhớ một thời tuổi thơ đau đáu với vị mắm tép tự làm của bà của mẹ.
"Trong quá trình chế biến, mỡ khổ xay hạt lựu xao cùng hành khô bào mỏng phi thơm rồi mới đổ thịt lợn băm vào đảo thật kỹ để thịt ngấm gia vị, thật thơm mùi hành. Mắm tép được cho vào 3 lần trong cả công đoạn chế biến để mắm ngấm sâu vào từng miếng thịt. Công đoạn khó nhất là điều chỉnh lửa bếp sao cho vừa đủ nhiệt, để phần thị băm săn khô và đậm vị mắm tép quê, ngậy mà không ngấy" - chị Thanh hào hứng kể.
Sau khi sản xuất xong, sản phẩm được đóng vào các túi zíp, hút chân không hoặc lọ thủy tinh đã tiệt trùng. Các gói sản phẩm được đóng với trọng lượng: 200 gam, 300 gram, 500 gram. Trong quá trình đóng gói, chị Thanh dùng máy hút chân không để bảo quản sản phẩm được lâu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dễ dàng trong khâu vận chuyển.
Sản phẩm chị Thanh làm ra hiện đang cung cấp cho các chuỗi cửa hàng nông sản sạch, các đại lý, cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh việc mở rộng ở những kênh truyền thống, chị còn đẩy mạnh bán hàng online, đưa sản phẩm lên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và nhiều kênh khác.
Hiện nay, cơ sở của chị Thanh đang tạo việc làm cố định cho 5 - 7 lao động có công ăn việc làm không thường xuyên tại địa phương, với mức thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng, tùy từng vị trí.
"Thời gian tới, tôi dự định sẽ mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, tem nhãn, tập trung quảng bá sản phẩm đến nhiều nơi trên thị trường và hướng tới xuất khẩu" - chị Thanh cho hay.
Sản phẩm thịt chưng mắm tép thương hiệu "Thanh Nguyễn" của chị Nguyễn Thị Lê Thanh đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu xuất sắc cấp tỉnh và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2021 của tỉnh Ninh Bình.