Trồng loại cây hóa giải đất "chó ăn đá gà ăn sỏi", kết quả như... trúng số
(Dân trí) - Từ vùng đất cằn cỗi, nông dân ở Nho Quan, Ninh Bình trồng na phủ xanh diện tích đất "chó ăn đá gà ăn sỏi". Na được mùa, được giá, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, người dân mừng như trúng số.
Xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình thuộc khu vực địa hình đồi núi. Phần lớn diện tích canh tác của người dân là đất mạt, đất sỏi xen lẫn với đá lộ đầu, cằn cỗi. Việc sản xuất trên loại đất này rất khó khăn. Vì thế vùng đất này được gọi là "chó ăn đá gà ăn sỏi".
Ông Nguyễn Văn Thuật, Trưởng xóm 4, xã Phú Long chia sẻ, người dân đã đưa nhiều giống cây như ngô, khoai, sắn, mía, dứa về trồng tại vùng đất khô cằn, sỏi đá này song đều thất bại hoặc hiệu quả rất thấp, thua lỗ.
Từng có 10 năm làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, ông Nguyễn Đình Phương (85 tuổi) tâm sự: "Có đất sản xuất nhưng canh tác không hiệu quả, bà con bỏ ruộng hoang nhiều. Không còn mấy người mặn mà với nông nghiệp, tìm việc khác để mưu sinh".
Tưởng rằng vùng đất "chó ăn đá gà ăn sỏi" Phú Long sẽ bị hoang hóa mãi khiến người dân không thoát được nghèo. Cách đây gần 10 năm, một vài hộ dân tại đây đưa cây na về trồng cho đỡ xói lở đất, phủ xanh đất đồi.
"Ai ngờ cây na bén rễ và lớn nhanh trên vùng đất cằn cỗi này. Chỉ sau 3 - 4 năm, cây đã ra nhiều quả, rất ngon ngọt. Thì ra, chỉ có cây na mới ưa vùng đất này. Đây chính là cây giúp nông dân Phú Long thoát nghèo" - ông Nguyễn Đình Quý, đại diện Ban quản trị HTX na trái vụ Phú Long nhớ lại.
Ông Quý chia sẻ thêm, từ đó, diện tích cây na tại địa phương tăng lên theo từng vụ. Đến nay ở Phú Long đã có trên 150ha trồng chuyên canh na.
"Hợp tác xã na trái vụ Phú Long được thành lập tháng 6/2020, hiện có 35 hộ thành viên. Hộ ít thì trồng 1,5ha, hộ nhiều lên đến 5-7ha. Toàn xã Phú Long, đất nào trồng được na là bà con trồng phủ kín các quả đồi" - ông Quý nói.
Những ngày này về xã Phú Long, người dân phấn khởi, vui như Tết vì na đang vào chính vụ thu hoạch. Na được mùa, được giá, bà con mừng như trúng số.
Anh Nguyễn Văn Trang nhà có hơn một ha trồng na chia sẻ, mỗi ha có thể trồng được từ 750 - 800 cây na. "Diện tích na của gia đình tôi đã cho thu hoạch được 2 năm nay. Mỗi cây na một vụ cho thu từ 12 - 15kg quả, mỗi ha thu được khoảng 15 tấn quả" - anh Trang nói.
Ông chủ vườn na nhẩm tính, với giá thu mua tại vườn hiện nay từ 40 - 45 nghìn/kg (loại to 3-4 quả/kg), một héc-ta trồng na, gia đình anh thu về số tiền hàng trăm triệu đồng.
"Không ngờ trồng na lại hiệu quả đến như vậy. Trước kia chưa có cây na, người dân chúng tôi ở đây cứ nghĩ vùng đất "chó ăn đá gà ăn sỏi" này chỉ để hoang quanh năm. Ai ngờ, cây na cho hiệu quả kinh tế từ 20 đến 25 lần so với cây trồng truyền thống" - anh Trang tâm sự.
Hiện nay, trái na của người dân xã Phú Long đã được công nhận xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh Ninh Bình (tháng 12/năm 2021). Vì thế đầu ra của quả na khá ổn định.
Đặc biệt, người dân nơi đây biết, cho được na ra quả trái vụ nên giá na bán rất cao, mỗi năm các hộ dân trồng na thu về hơn nửa tỷ đồng nhờ cây na.