Ninh Bình:

Trồng cây "chồng hút vợ say", bỏ túi trăm triệu đồng mỗi vụ

Thái Bá

(Dân trí) - Cứ đến giữa tháng 5, người dân xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình lại tất bật thu hoạch thuốc lào. Mỗi năm một vụ, trừ hết các chi phí, nhà trồng nhiều có thể thu nhập cả trăm triệu đồng.

Trồng cây chồng hút vợ say, bỏ túi trăm triệu đồng mỗi vụ - 1

Cây thuốc lào được trồng từ tháng 9 năm trước đến đầu tháng 5 năm sau thì cho thu hoạch. Trồng cây thuốc lào tuy vất vả hơn trồng lúa và các loại hoa màu khác nhưng đổi lại, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Bởi vậy, ở xã Khánh Vân, trồng thuốc lào được xem như nghề cha truyền con nối tự bao đời nay.

Trồng cây chồng hút vợ say, bỏ túi trăm triệu đồng mỗi vụ - 2

Ông Hoàng Văn Vương (61 tuổi, thôn Xuân Tiến) cho biết, từ đời bố mẹ ông đã trồng cây thuốc lào, bản thân ông cũng gắn với nghề này hàng chục năm nay.

Trồng cây chồng hút vợ say, bỏ túi trăm triệu đồng mỗi vụ - 3

"Trước kia, công đoạn chế biến thuốc lào hoàn toàn bằng thủ công nên nông dân không thể trồng nhiều. Hiện nay, trồng thuốc lào đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nhà nào cũng đầu tư máy thái và trồng với diện tích lớn hơn" - ông Vương nói.

Trồng cây chồng hút vợ say, bỏ túi trăm triệu đồng mỗi vụ - 4

Ông Hoàng Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Khánh Vân cho biết, toàn xã hiện có 82ha trồng cây thuốc lào. Đây là cây trồng truyền thống từ nhiều đời nay tại địa phương. Trong vùng, chỉ đất Khánh Vân trồng được thuốc lào và cho ra sản phẩm tốt nhất.

Trồng cây chồng hút vợ say, bỏ túi trăm triệu đồng mỗi vụ - 5

Lão nông Hoàng Văn Vương chia sẻ thêm, dù có thu nhập cao nhưng trồng cây thuốc lào khá vất vả vì cây dễ bị nấm dẫn đến đốm lá hoặc cháy lá. Bởi vậy, hàng ngày, người dân phải tưới nước, bón phân đầy đủ để cây phát triển khỏe mạnh, lá xanh tốt và to, dày.

Trồng cây chồng hút vợ say, bỏ túi trăm triệu đồng mỗi vụ - 6

Những năm trước, gia đình bà Phạm Thị Chỉ (60 tuổi, xã Khánh Vân) trồng cả mẫu thuốc lào, nhưng mấy năm nay các con đi làm công nhân, nên hai ông bà cũng chỉ trồng 2 sào.

Trồng cây chồng hút vợ say, bỏ túi trăm triệu đồng mỗi vụ - 7

Bà cho biết, trồng thuốc lào chí phí giống ít, nhưng tiền phân bón và công chăm sóc nhiều. Nhưng đổi lại, thuốc lào làng bà trồng rất dễ bán. Cứ thu hoạch xong, phơi khô là có thương lái đến tận nhà mua, thanh toán "tiền tươi thóc thật".

Trồng cây chồng hút vợ say, bỏ túi trăm triệu đồng mỗi vụ - 8

Thu hoạch thuốc lào gồm nhiều công đoạn như: hái lá, bó lá, ủ lên men, thái lá, đem phơi và đóng gói sản phẩm. Trong đó mỗi công đoạn lại có mỗi yêu cầu riêng để đảm bảo đem lại sản phẩm thơm ngon và giá trị nhất.

Trồng cây chồng hút vợ say, bỏ túi trăm triệu đồng mỗi vụ - 9

Lá thuốc lào được hái vào ngày nắng đẹp, từ 9h sáng trở đi, khi ấy lá se lại cụp xuống như tàu mo cau. Nếu hái sớm, lá còn ướt sương hoặc hái vào ngày mưa lá còn nước khi ủ dễ bị thối.

Trồng cây chồng hút vợ say, bỏ túi trăm triệu đồng mỗi vụ - 10

Lá thuốc lào sau khi hái sẽ được rọc bỏ sống, cuộn thành từng đòn dài tới 2 mét, rồi ủ cho lên men tạo thành mùi thơm đặc trưng mới đem ra thái. Công đoạn thái sợi thuốc lào cũng khá cầu kì, vì thái càng nhỏ sợi càng đẹp, phơi càng nhanh khô.

Sau khi thái sợi, người dân sử dụng các khoảng sân rộng, đường làng, sân nhà thờ hoặc bãi đất trống ngoài ruộng để phơi các nong thuốc, rồi cử người túc trực, lỡ trời chuẩn bị mưa phải thu vào thật nhanh vì nếu để vào nước thì thuốc xỉn màu, sẽ mất giá trị.

Trồng cây chồng hút vợ say, bỏ túi trăm triệu đồng mỗi vụ - 11

Thuốc lào sau khi phơi khô, người dân sẽ vo tròn thành từng bánh, đóng túi cẩn thận để bán cho thương lái xuất đi các tỉnh thành phía Bắc.

"Năm nay, nhà tôi trồng 9 sào thuốc lào, mỗi sào thu hoạch khoảng 60kg thành phẩm, với giá bán hiện tại 250.000 đồng/kg thì thu nhập khoảng 135 triệu. Trừ chi phí giống cây, phân bón gia đình tôi cũng "bỏ túi" khoảng 100 triệu đồng" - ông Vương khoe.

Trồng cây chồng hút vợ say, bỏ túi trăm triệu đồng mỗi vụ - 12

Bà Chỉ tính nhẩm: "Với giá thuốc như năm nay thì trừ chi phí nhà tôi cũng được khoảng 20 triệu đồng. Trồng thuốc lào công cao hơn cây trồng khác gấp nhiều lần".

Chủ tịch UBND xã Khánh Vân cho biết thêm, nhờ loại cây đặc biệt này mà người dân của xã không chỉ thoát nghèo mà còn có thu nhập cao, đời sống ổn định, đảm bảo an sinh xã hội từ nhiều năm qua.