1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa:

Rớt giá 30%, nông dân vẫn "bỏ túi" cả trăm triệu đồng từ cây dứa

Bình Minh

(Dân trí) - Mặc dù năm nay giá rớt 30% so với mọi năm nhưng lại được mùa khiến nông dân Thanh Hóa sau khi trừ hết chi phí vẫn "bỏ túi" cả trăm triệu đồng mỗi ha dứa.

Thanh Hóa được xem là vùng trồng dứa lớn nhất nhì miền Bắc. Những ngày này, người trồng dứa ở các huyện: Hà Trung, Thạch Thành, Yên Định, Như Thanh, Như Xuân và thị xã Bỉm Sơn đang bước vào chính vụ thu hoạch. Lao động ở các vùng lân cận đổ về làm việc, xe tải từ khắp các nơi cũng về đây mua bán tấp nập.

Mùa dứa chín thường bắt đầu từ tháng 2-6, thời điểm dứa chín rộ và độ ngọt cao nhất là từ tháng 4-5. Cho nên mùa dứa chín, bà con đều tranh thủ thu hoạch thật nhanh. Dứa được trồng 2 thời vụ chủ yếu là vụ xuân (tháng 3-4), vụ thu (tháng 8-9).

Rớt giá 30%, nông dân vẫn bỏ túi cả trăm triệu đồng từ cây dứa - 1

Cánh đồng dứa rộng hàng trăm ha của xã Hà Long (huyện Hà Trung).

Theo người dân, dứa năm nay được mùa. Tuy nhiên, giá bán lại giảm nhiều so với năm trước. Có mặt tại trên các đồi trồng dứa của xã Hà Long (huyện Hà Trung), không khí thu hoạch dứa ở đây đang rất khẩn trương, tấp nập. Từ tờ mờ sáng, các xe tải và xe container thu mua dứa đã tập trung dọc các con đường lớn nhỏ đi đến các đồi dứa. 

Năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Vân, xã Hà Long (Hà Trung) trồng gần 2 ha dứa cả giống mới và cũ. Chị Vân dự tính thu hoạch được 50 tấn/ha.

Theo chị Vân, nếu như năm ngoái giá dứa là 7.200 đồng/kg thì năm nay giá đầu mùa tại vườn chỉ dao động từ 4.500-5000 đồng/kg, so với năm ngoái giá giảm 30%. "Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dứa bị rớt giá, trong khi đó giá nhân công và các chi phí khác không giảm. May mắn, năm nay được mùa nên nếu trừ hết chi phí, bà con vẫn lãi được khoảng 100 triệu đồng/ha", chị Vân nói.

Rớt giá 30%, nông dân vẫn bỏ túi cả trăm triệu đồng từ cây dứa - 2

Vào mùa thu hoạch, nông dân phải thuê hàng chục lao động để bẻ dứa.

Cũng theo chị Vân, nghề dứa vất vả nhưng cho thu nhập cũng khá. Trước đây, gia đình chị và nhiều gia đình khác trồng mía nhưng cây mía không giữ giá nên bà con đã chuyển dần sang trồng dứa.

Có diện tích gần 5 ha, gia đình ông Nguyễn Văn Đề (xã Hà Long) cũng đang thuê hàng chục lao động thu hoạch. Với 5 ha dứa, ông Đề trừ hết chi phí cũng có gần nửa tỷ đồng mỗi năm.

"Thu nhập từ nghề trồng dứa cao là vậy nhưng người trồng dứa khá vất vả bởi làm việc dưới cái nắng "cháy da". Dứa được trồng và chăm sóc trong thời gian 18 tháng mới cho thu hoạch", ông Đề cho biết.

Theo người nông dân này, cùng với việc chăm sóc tốt, bón phân cân đối nên cây dứa Hà Long cho quả to, mắt thưa đều, trọng lượng quả đạt theo yêu cầu từ 0,6-1,2 kg/quả. Dứa Hà Long thường được các thương lái ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội… ưa chuộng.

Rớt giá 30%, nông dân vẫn bỏ túi cả trăm triệu đồng từ cây dứa - 3

Dứa dù được mùa nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bị rớt giá.

Theo kinh nghiệm của những người trồng dứa, để có dứa bán quanh năm mà không lo rớt giá, họ thường trồng dứa xen kẽ giữa các vụ với nhau. Sau đó, sẽ tiến hành thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu để tránh tình trạng cung vượt cầu.

Toàn xã Hà Long đã có hơn 1.000 hộ trồng dứa với diện tích 800 ha. Dứa sinh trưởng rất tốt ở vùng đất sỏi trên khu vực sườn đồi. Với năng suất bình quân 45-50 tấn/ha, dự kiến tổng sản lượng dứa trên địa bàn xã Hà Long chính vụ này sẽ đạt từ 35.000-40.000 tấn.

Bà Nguyễn Thị Ban, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Trung cho biết, toàn bộ diện tích trồng dứa của huyện tập trung ở xã Hà Long. Trước đây, chủ yếu là trồng cây mía. Tuy nhiên giá mía nhiều năm qua duy trì thấp, nên những năm gần đây, nông dân không còn mặn mà với cây mía. Địa phương đã cơ cấu lại sản xuất, chuyển sang trồng đại trà cây dứa thương phẩm.

Rớt giá 30%, nông dân vẫn bỏ túi cả trăm triệu đồng từ cây dứa - 4

Dứa được bốc lên xe tải cho thương lái.

"Cây dứa gần như không có sâu bệnh, chịu hạn tốt, đem lại thu nhập cho người dân cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác, giải quyết thêm nhiều việc làm, tăng thêm thu nhập, giúp xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Năm nay do ảnh hưởng dịch và thị trường thế giới biến động khiến việc xuất khẩu dứa chậm hơn, giá dứa bị giảm. Tuy nhiên loại cây này vẫn mang lại thu nhập cao cho bà con", bà Ban cho biết thêm.

Cũng theo bà Ban, trong thời gian tới, địa phương sẽ quy hoạch các vùng trồng dứa theo quy chuẩn VietGap để liên kết với các doanh nghiệp giúp cho việc tiêu thụ cũng như giá bán được ổn định. Được biết, toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 3.000 ha dứa, tập trung ở các huyện Hà Trung, Thạch Thành, Yên Định, Như Thanh, Như Xuân và thị xã Bỉm Sơn.