1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Trồng cây cho quả làm ra thứ rượu đặc biệt, nông dân lãi lớn

Đăng Đức

(Dân trí) - Đến vụ thu hoạch, sản lượng dâu tằm đạt từ 3-4 tấn/ha, ngoài bán quả tươi, còn lại ông Quốc ngâm rượu. Thời điểm dâu tằm được giá, vợ chồng ông "bỏ túi" từ 100-150 triệu đồng mỗi vụ.

Nhiều năm trước, ít ai ngờ cây dâu tằm có thể tạo ra nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người nông dân. Thế nhưng, lão nông Trần Văn Quốc (thôn Tân Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) đã biến loại cây tưởng như không có giá trị này thành cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng cho gia đình.

Theo ông Quốc, cây dâu tằm dễ sống nên chủ yếu được người dân trồng ở hàng rào, quả chín thì rụng xuống đất và ít được sử dụng. Trong một lần đến Nghệ An, ông nhìn thấy cây dâu rất sai quả nên xin nhánh đưa về Quảng Trị trồng. Nhờ có chút kinh nghiệm lên men rượu nên ông Quốc tận dụng quả dâu ngâm và phát hiện rượu dâu tằm rất ngon.

Trồng cây cho quả làm ra thứ rượu đặc biệt, nông dân lãi lớn - 1

Hơn 10 năm trước, ông Quốc tiên phong đưa cây dâu tằm về trồng ở vùng gò đồi Quảng Trị.

Giai đoạn này, tại vùng gò đồi xã Cam Thành, người dân chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu và trồng rừng. Tuy nhiên, sau nhiều năm giá cao su, hồ tiêu xuống thấp, cũng như thường xuyên bị dịch bệnh nên thu nhập của người dân không ổn định.

Cách đây hơn 10 năm, ông Quốc là người tiên phong đưa cây dâu tằm về trồng trên vùng gò đồi Quảng Trị.

Ông Trần Văn Quốc cho biết: "Trước đây, tôi trồng hơn 2 ha cây dâu tằm. Khi thu hoạch, một phần tôi bán quả tươi với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg, còn lại thì ngâm rượu bán mỗi chai khoảng 80.000 đồng. Doanh thu từ mỗi vụ dâu đạt từ 250-300 triệu đồng, trừ chi phí còn thu lãi hơn 150 triệu đồng".

Trồng cây cho quả làm ra thứ rượu đặc biệt, nông dân lãi lớn - 2

Năm nay thời tiết thuận lợi nên cây dâu sai quả.

Theo ông Quốc, trồng cây dâu chỉ tốn công chăm sóc, làm cỏ, tỉa cành. Hai năm mới phải bón phân một lần để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Sau khi gia đình ông Quốc trồng thành công cây dâu tằm và thu lãi lớn, nhiều người dân trên địa bàn học hỏi mô hình và được ông Quốc chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu. Tuy nhiên, chỉ gia đình ông Quốc mới sản xuất được rượu dâu tằm để cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

"Cây dâu tằm phù hợp với đất đai, điều kiện khí hậu của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây bản địa, sản lượng bình quân đạt 3-4 tấn quả/ha", ông Quốc cho biết.

Trồng cây cho quả làm ra thứ rượu đặc biệt, nông dân lãi lớn - 3

Ngoài bán quả tươi, dâu còn được sử dụng để sản xuất rượu vang dâu.

Theo đông y, nhiều bộ phận của cây dâu tằm từ quả, thân, rễ đều có thể làm thuốc. Quả dâu tằm được dùng với nhiều tác dụng tuyệt vời trong hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể...

Hai năm gần đây, do dịch bệnh Covid-19 cùng với đầu ra thị trường khó khăn nên ông Quốc chỉ giữ lại 1ha dâu tằm, với khoảng 1.000 cây.

Trồng cây cho quả làm ra thứ rượu đặc biệt, nông dân lãi lớn - 4

Thời điểm thu hoạch và dâu tằm được giá như trước đây, ông Quốc phải thuê hơn 10 nhân công để hái dâu. Nhưng hiện nay, do thị trường tiêu thụ chậm nên ông chỉ thuê 4 người làm.

"Ngoài bán quả tươi, mỗi năm gia đình tôi chế biến được từ 900 - 1.200 lít rượu vang, siro, sản phẩm hoàn toàn lên men tự nhiên, không dùng các phụ phẩm nên được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Doanh thu từ bán rượu và siro khoảng 100 triệu đồng", ông Quốc cho biết thêm.

Ông Trần Văn Quốc đang ấp ủ thử nghiệm giống của một loại cây trồng mới để có thể kết hợp với cây dâu tằm sản xuất một loại rượu. "Sẽ còn rất nhiều công đoạn nữa mới có thể biến ý tưởng thành hiện thực bởi thử nghiệm giống xong sẽ phải trồng thành cây, rồi chăm sóc cho cây lớn, cho quả, tiếp đó mới lấy thứ quả đó, kết hợp với quả dâu tằm để sản xuất rượu" - ông Quốc hào hứng nói.

Trồng cây cho quả làm ra thứ rượu đặc biệt, nông dân lãi lớn - 5

Ông Quốc chế biến rượu dâu cung cấp ra thị trường nhiều tỉnh thành.

Theo ông Quốc, hiện gia đình vẫn duy trì chăm sóc vườn dâu tằm để làm rượu bán. Dựa vào nhu cầu thị trường hiện tại, năm nay ông dự kiến sẽ sản xuất khoảng 1.000 chai rượu dâu, với giá bán từ 95.000-100.000 đồng/chai.

Lãnh đạo UBND xã Cam Thành cho biết, trong những năm qua, xã đã tập trung vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi vườn tạp, kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Toàn xã hiện có gần 10 ha với khoảng 20 hộ gia đình trồng dâu tằm. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư máy móc để chế biến các sản phẩm từ quả dâu tằm đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiệu quả thu được từ các mô hình, giúp người dân tự nâng cao đời sống cho gia đình, tạo ra nguồn lực kinh tế đáng kể, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng gò đồi trên địa bàn.

Trồng cây cho quả làm ra thứ rượu đặc biệt, nông dân lãi lớn - 6

Nhiều quả dâu chín mọng, hấp dẫn.