An Giang:
Trồng 2 loài cây ăn quả "dễ tính" như cây rừng, lão nông thu lãi bất ngờ
(Dân trí) - Trồng rau màu cho lợi nhuận thấp nên 7 năm trước ông Nguyễn Văn Cường (ở An Giang) đã mạnh dạn chuyển sang trồng dâu tằm và cà na và thu lãi cao gấp hàng chục lần.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Cường (51 tuổi, ngụ xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành, An Giang) chỉ trồng lúa và rau màu. Với 3 công đất (3.000m2) ông chỉ thu về tầm 20-30 triệu đồng/năm khiến cuộc sống luôn chật vật.
7 năm trước, nhờ người thân chỉ cho mô hình trồng cây dâu tằm bán trái, ông Cường mua cây giống về trồng thử trên diện tích 1.500m2. Chỉ sau một năm trồng dâu, cả nhà ông dường như bước sang trang mới.
"Ngày đó vốn ít tôi chỉ đủ tiền mua 20 gốc dâu tằm trồng sau vườn rau màu. Trồng được 10 tháng dâu tằm có trái vụ đầu nhưng do cây còn nhỏ tôi không xử lý trái rộ. Sang đến năm thứ 2, khi cây đủ cứng cáp tôi mới để trái cho tới nay", ông Cường cho hay.
Theo lão nông U60, dâu tằm rất dễ trồng, không kén đất. Dâu tằm ra trái quanh năm nhưng để cây cho trái đều, cần có biện pháp xử lý. Trước tiên, cần siết nước cho cây già sau đó xịt thuốc rụng lá.
Trái non của dâu tằm có màu xanh, dần chuyển sang màu đỏ và chín sẽ có màu tím đen. Từ lúc xịt rụng lá đến ngày thu hoạch trái kéo dài khoảng 45 ngày.
Tuy không phải là cây đặc trưng ở miền Tây nhưng với khí hậu nóng ẩm tại đây cây dâu tằm phát triển rất tốt. Chính vì thế với 20 gốc dâu ban đầu ông Cường tự chiết cành nhân giống, nâng lên 240 gốc.
"Cây mới 2 năm tuổi, một vụ (40 ngày) tôi bẻ được khoảng 15kg, càng về sau cây già hơn thu hoạch có khi lên 30kg/cây/vụ. Với 240 gốc dâu tôi kiếm được 100-150 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay rau màu", lão nông An Giang vui vẻ nói.
Trước đây ít người trồng nên dâu tằm bán giá khá cao, giá giao cho thương lái dao động từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg. Vài năm trở lại đây, giá dâu giảm còn 30.000 đồng/kg, tuy vậy gia đình ông vẫn có thu nhập ổn định nhờ những mối lái lâu năm.
Có lợi nhuận từ dâu tằm, ông Cường trồng thêm cà na Thái, thanh nhãn. Trong đó, diện tích quanh bờ ao ông trồng hơn 100 gốc cà na, 2 năm nay cây cho trái giúp gia đình ông có thêm thu nhập.
Bà Phạm Thị Kim Hảo (vợ ông Cường) chia sẻ, trồng cà na và dâu tằm giống như trồng cây rừng vì ít tốn công chăm sóc, cây ít bệnh. Hai loại cây này đều lâu năm nên chỉ tốn công xuống giống lần đầu, sau mỗi vụ thì bón ít phân cho cây có dinh dưỡng. Trồng tới nay đã 5-7 năm chẳng thấy cây nào hư hại hay chết.
"Cây này chỉ cực lúc thu hoạch vì trái nhỏ phải len lỏi trong các nhánh hái để hái từng trái một. Thuê nhân công cũng khó nên vợ chồng tôi tự hái, lấy công làm lời", bà Hảo nói thêm.
Tương tự như dâu tằm, cà na ngoài bán trái tươi còn có thể chế biến thành nhiều mặt hàng khác như cà na đập, rượu cà na...