Triển khai hiệu quả cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024

Hoa Lê

(Dân trí) - Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, các cơ quan sẽ xây dựng đồng bộ văn bản để triển khai cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024, cùng với đó là thực hiện tinh giản biên chế.

Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Theo nghị quyết vừa được thông qua, trong lĩnh vực nội vụ, Quốc hội nhấn mạnh việc đổi mới hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, trong đó rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức về thẩm quyền giao, quản lý biên chế nhằm thể chế chủ trương của Đảng về quản lý biên chế công chức, viên chức.

Triển khai hiệu quả cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024 - 1

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế đạt mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo nghị quyết, mục tiêu đề ra là sớm hoàn thành có chất lượng việc xây dựng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, địa phương. 

Đặc biệt là xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai có hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Chính phủ có trách nhiệm chậm nhất là đến hết năm 2025, chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021.

Ngoài ra, tập trung tổ chức triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, bảo đảm ổn định hoạt động của tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, kịp thời giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

Triển khai hiệu quả cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024 - 2

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường (Ảnh: Quốc hội).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết trước khi Quốc hội bấm nút, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có ý kiến đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo thực hiện hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất thuộc dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, nội dung "Bố trí nguồn vốn và thực hiện nhiệm vụ chi thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng cho Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho người dân, tránh khiếu kiện kéo dài" đã bao hàm ý kiến đại biểu Quốc hội nêu. Do đó, nội dung trong dự thảo nghị quyết được giữ nguyên.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội có ý kiến đề nghị khẩn trương xây dựng bộ sách giáo khoa dùng chung trong năm 2025.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13. Do đó, nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp này cũng không cần bổ sung nội dung này.