Xây dựng cơ chế ấn định tiền lương tối thiểu, cách tính mức sống tối thiểu
(Dân trí) - Gia nhập Công ước 131 sẽ là căn cứ để Việt Nam xây dựng cơ chế toàn diện ấn định tiền lương tối thiểu, bao gồm cả hệ thống thực thi, giám sát việc thực hiện tiền lương tối thiểu.
Tiền lương tối thiểu bảo vệ người lao động
Ngày 15/11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn về dự thảo hồ sơ trình gia nhập Công ước số 131 về ấn định tiền lương tối thiểu.
Tại hội thảo, ông Xavier Estupinan Gonzalo, chuyên gia tiền lương ILO, giới thiệu chung về Công ước 131 và lịch sử công ước tiền lương của ILO.
Theo ông Xavier, hiện ILO có 3 công ước về tiền lương là Công ước 26, 99 và 131. Trong đó, Công ước 131 là toàn diện, yêu cầu các nước tham gia phải có một chính sách tiền lương tối thiểu bao phủ tất cả người làm công ăn lương và cơ chế hoàn thiện để thực thi chính sách đó.
Ông Xavier khẳng định, tiền lương tối thiểu là công cụ quan trọng, không chỉ bảo vệ người lao động, đảm bảo mức sống tối thiểu cho họ mà còn bảo vệ sự phát triển an sinh xã hội bền vững của quốc gia.
Ông Xavier cho rằng: "Lao động không phải là hàng hóa chi phối bởi quy luật cung cầu. Do đó, không có chuyện khi tình hình kinh tế biến động, việc làm ít mà lao động nhiều thì giảm lương. Phải có một mức tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động".
Theo ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương tối thiểu đã có lịch sử lâu đời tại Việt Nam. Ngay từ năm 1947, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc luật 29 quy định về tiền lương tối thiểu là tiền công cho người lao động đủ sống trong 1 ngày (tiền lương tối thiểu theo ngày).
Từ thời điểm đó, Chính phủ đã có quy định rất tiến bộ là Hội đồng Tiền lương mỗi năm họp 1 lần để xem xét tiền lương tối thiểu. Đến hiện tại, Việt Nam đang áp dụng lương tối thiểu theo vùng cho khu vực ngoài công lập và lương cơ sở trong khu vực công.
Việc thúc đẩy gia nhập Công ước 131 là một bước tiến mới với mục tiêu đảm bảo mức sống cho người lao động, tạo dựng một môi trường lao động công bằng, phù hợp các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Theo ông Mai Đức Thiện, sau khi lấy ý kiến tham vấn của chuyên gia và các tổ chức đại diện người lao động, Bộ LĐ-TB&XH hoàn thiện hồ sơ gia nhập Công ước 131, dự kiến sẽ tham mưu Chính phủ trình Chủ tịch nước thông qua công ước này vào năm 2014.
Thống nhất cách tính mức sống tối thiểu
Đại diện Vụ Pháp chế, bà Nguyễn Thanh Mai cho biết, về cơ bản, các quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam đều phù hợp với các quy định trong Công ước 131. Sự phù hợp thể hiện ở phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các yếu tố xác định mức lương tối thiểu, cơ chế ấn định lương tối thiểu…
Mong muốn của Việt Nam khi gia nhập Công ước 131 là đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, hướng đến mức sống cao hơn, góp phần khắc phục bất bình đẳng trong thu nhập của người lao động, giảm thiểu tranh chấp về tiền lương, thúc đẩy phát triển năng suất lao động…
Ngoài ra, việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế còn giúp hàng hóa Việt Nam có điều kiện tốt hơn để xuất khẩu sang những thị trường quốc tế khó tính, không vướng các rào cản lao động...
Tại hội thảo, đại diện công đoàn các tỉnh thành đồng tình với mục tiêu thúc đẩy gia nhập Công ước 131. Tuy nhiên, tổ chức đại diện người lao động đề nghị trong dự thảo kế hoạch thực hiện Công ước 131 nên có quy định về cơ chế xác định mức sống tối thiểu, từ đó dễ dàng xác định được mức lương tối thiểu.
Ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: "Hằng năm, việc tăng lương tối thiểu vùng được quan tâm rất lớn, đề xuất mức lương tối thiểu lúc nào cũng có tranh cãi. Nguyên nhân chính là chúng ta chưa có quy chế để xác định mức sống tối thiểu".
Ông đề nghị nghiên cứu đưa nội dung căn cứ xác định mức sống tối thiểu vào kế hoạch thực hiện Công ước 131 để thống nhất cách tính và đơn vị phụ trách việc này, tránh việc các tổ chức khác nhau lại có khảo sát khác nhau. Khi đó, việc xác định lương tối thiểu hằng năm sẽ ít tranh cãi hơn.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM, khẳng định việc tham gia Công ước 131 là cần thiết, phù hợp xu thế chung, đảm bảo việc hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất mà ông quan tâm là cách tính lương tối thiểu. Theo ông Nguyễn Thành Đô, cách tính mức sống tối thiểu mà nhiều cơ quan đang áp dụng là chưa phù hợp, chủ yếu căn cứ vào nhu cầu sinh lý của con người mà chưa tính đủ các chi phí học tập, giải trí…
Ông Xavier xác nhận việc đàm phán lương tối thiểu là vấn đề nóng bỏng ở bất cứ quốc gia nào. Nhiều quốc gia có hệ thống số liệu minh bạch để làm bằng chứng khi đàm phán và trên thế giới có nhiều mô hình mà Việt Nam có thể tham khảo.
PGS.TS Trần Thị Thúy Lâm, Trưởng bộ môn Luật Lao động, Trường Đại học Luật Hà Nội, quan tâm đến phạm vi điều chỉnh của Công ước 131 là người lao động làm công ăn lương. Trong khi đó, hiện Việt Nam có 1 số nhóm lao động làm công ăn lương nhưng không thuộc phạm vi điều chỉnh bởi mức lương tối thiểu.
Bà dẫn chứng các nhóm như: Người lao động không có quan hệ lao động; cán bộ công chức, viên chức điều chỉnh bởi lương cơ sở; người làm hợp đồng trong các khu vực đơn vị sự nghiệp công lập…
Hội thảo tham vấn về dự thảo hồ sơ trình gia nhập Công ước số 131 về ấn định tiền lương tối thiểu tại TPHCM diễn ra trong 2 ngày (15/11 và 16/11).
Hội thảo có 6 phiên thảo luận về các chủ đề: Giới thiệu về Công ước số 131 và việc đề xuất gia nhập Công ước số 131; Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Công ước số 131; Nguyên tắc, cơ chế điều chỉnh lương tối thiểu; Các tiêu chí xác định lương tối thiểu; Các biện pháp áp dụng, thực thi quy định về lương tối thiểu; Các biện pháp áp dụng, thực thi quy định về lương tối thiểu; Kinh nghiệm quốc tế, hoàn thiện hồ sơ trình gia nhập.