Trào lưu làm việc 4 ngày/tuần
Một số công ty trên thế giới đang nhận thấy việc cắt giảm thời gian làm việc trong tuần giúp năng suất lao động cao hơn, đội ngũ nhân viên tận tụy hơn cũng như giảm bớt tình trạng kiệt sức do làm việc quá nhiều.
"Sức khỏe được cải thiện và chúng tôi làm việc tốt hơn khi không phải làm việc nhiều đến điên rồ" - ông Jan Schulz-Hofen, nhà sáng lập Công ty Phần mềm quản lý dự án Planio ở thủ đô Berlin - Đức, nhận định sau khi áp dụng chính sách làm việc 4 ngày/tuần hồi đầu năm nay.
Ở New Zealand, Công ty Bảo hiểm Perpetual Guardian ghi nhận nhân viên đã bớt căng thẳng và gắn kết nhiều hơn với doanh nghiệp sau khi sáng kiến làm việc 4 ngày/tuần được thử nghiệm. Còn tại Nhật Bản, chính phủ khuyến khích các công ty cho phép nghỉ việc vào sáng thứ hai ngay cả khi kế hoạch khích lệ người lao động nghỉ ngơi nhiều hơn vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả.
Trong khi đó, Đại hội Nghiệp đoàn Anh (TUC) đang thúc đẩy cả nước chuyển sang tuần làm việc 4 ngày vào cuối thế kỷ này và nhận được sự ủng hộ của Công Đảng đối lập. "Điều đó sẽ giảm bớt căng thẳng do công việc và đời sống gia đình mang lại, đồng thời cải thiện bình đẳng giới. Các công ty thử nghiệm kế hoạch này cho biết năng suất làm việc và sức khỏe của người lao động đều được nâng cao" - bà Kate Bell, phụ trách về kinh tế của TUC, nhấn mạnh.
Theo hãng tin Reuters, một cuộc thăm dò gần đây đối với 3.000 người lao động ở 8 quốc gia - trong đó có Mỹ, Anh, Đức - cho thấy gần một nửa số người được hỏi cảm thấy dễ dàng hoàn thành công việc trong vòng 5 giờ/ngày nếu không bị gián đoạn. Dù vậy, vẫn có nhiều người làm việc nhiều hơn 40 giờ/tuần. Riêng ở Mỹ, 49% thừa nhận họ làm quá giờ.
Theo Lục San/Báo Người Lao động