Tranh luận có nên chuyển nghỉ Tết Âm lịch 2016 sang Tết dương lịch

(Dân trí) - Sau ý kiến của bạn đọc Ngọc Linh về có việc nên chuyển lịch nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sang lịch Tết dương để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tiết kiệm tài chính cho xã hội và không giảm năng suất xã hội. Nhiều bạn đọc đã có những ý kiến phản biện khác nhau.


Bộ LĐ-TB&XH đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 9 ngày.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 9 ngày.

Trước đó, Dân trí có thông tin việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 gồm 9 ngày, cụ thể từ ngày 6/02/2016 đến hết ngày 14/02/2016.

Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, dịp nghỉ lễ, Tết năm 2016 đều liền với ngày nghỉ hằng tuần, không xuất hiện tình trạng 1, 2 ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ. Chính vì vậy, lịch nghỉ dự kiến sẽ không phải làm bù.

Đưa ra quan điểm cá nhân, bạn đọc Ngọc Linh có ý kiến: “Tôi đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu học tập cách làm của Nhật Bản. Họ đã chuyển Tết âm sang tết dương lịch…”.

Lý giải đề xuất này, bạn đọc Ngọc Linh cho rằng: “xã hội sẽ tiết kiệm vô vàn tài chính, người dân đỡ khổ, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng do giảm năng suất lao động”.

Quan điểm của Ngọc Linh có thể dựa trên sự quan sát trên cơ sở thực tế ở nước ngoài. Đây cũng là một ý kiến mới mẻ, mục đích tạo ra giá trị cho xã hội và tham khảo những yếu tố đang được nước ngoài cho là hợp lý.

Ngay sau ý kiến của Ngọc Linh, nhiều bạn đọc đã có những quan điểm khác nhau. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích 1 số ý kiến tiêu biểu.

Bạn đọc Lê Thụy Hải ủng hộ quan điểm trên bởi dù được gọi là Tết truyền thống, nhưng thực sự có nguồn gốc từ nước ngoài vào VN. “Chúng ta bỏ ăn tết âm lịch chuyển ăn tết tây cũng chẳng có gì là không tốt! Mà tốt nhất chúng ta nên ăn 1 cái tết riêng chẳng phải âm lịch cũng chẳng phải tây. Lấy cái tết độc lập có vẻ hợp lý nhất!” - bạn Lê Thụy Hải nêu quan điểm.

Phản biện quan điểm chuyển kỳ nghỉ Tết cổ truyền sang dịp tết dương lịch, bạn đọc Văn Quang nhắn nhủ Ngọc Linh: “Bạn hiểu thế nào là bản sắc dân tộc không? Làm quần quật cả năm chỉ mong sum vầy bên mâm cơm gia đình 3 ngày Tết. Điều này đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt mình. Nó là nét đẹp bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc ta, chứ không phải là cổ hủ lạc hậu”.

Có lẽ là một fan bóng đá nước nhà, bạn đọc Nghĩa Đoàn đưa ra quan điểm hài hước: “Tôi góp thêm ý với bạn Văn Quang nhé, không phải cứ có huấn luyện viên bóng đá người Nhật thì sẽ giúp đội VN tuyển thắng Thái Lan đâu nhé!”

Nói thêm về việc tiếp cận văn hóa Nhật Bản, bạn Văn Quang bổ sung: “Muốn phát triển bền vững là phải giữ truyền thống dân tộc cộng thêm hội nhập thế giới. Vậy, bạn đã làm gì giống phong cách người Nhật chưa. Người Nhật nói ít lắm, họ chứng tỏ bằng hành động đấy!”.

Lo lắng tới bản sắc văn hóa, bạn đọc Anh Mong viết: “Bỏ tết âm theo lịch dương, ăn tết dương. Bản sắc văn hóa nửa chừng. Không nên”.

Thừa nhận quan điểm chuyển lịch nghỉ Tết âm sang dương lịch đã từng xảy ra,  bạn đọc Lộc cho rằng: “Những năm gần đây đã có ý kiến cho rằng nên chuyển tết âm lịch sang tết dương lịch. Vấn đề này cần nghiên cứu thật kĩ, không nên cứ thấy nước ngoài như vậy thì ta cứ phải làm theo”.

“Thứ nhất con người cần cả vật chất và tinh thần. Chúng ta sẽ như thế nào nếu trở thành cái máy công nghiệp?. Thứ hai, chúng ta không nên sốt ruột với những ngày nghỉ Tết âm lịch. Nước ngoài không có tết âm lịch nhưng họ có cả tuần nghỉ Giáng sinh và tết dương lịch đấy thôi” - bạn đọc Lộc giải thích.

Bạn đọc Anh Phan khẳng định: “Tết âm lịch là tết cổ truyền dân tộc từ thời tổ tiên. Nghĩ sao có thể gộp 2 làm một. Thật lạ lùng”.

Giải thích Tết âm lịch có ảnh hưởng tới nhiều vấn đề, bạn đọc Nguyễn Mai nói: “Bạn nên nhớ, Tết không chỉ ảnh hưởng tới những người đang đi làm như chúng ta. Tết là nhịp thời gian ấn định truyền thống, liên quan tới những người già, trong đó có bố, mẹ, ông bà hoặc con cái chúng ta.

Nếu chuyển sang lịch dương, mọi thứ sẽ đảo lộn hết. Không đơn giản là lịch làm việc đâu nhé. Bởi Tết âm lịch bắt đầu cho ngày đầu tiên của lịch âm, các sự kiện tính theo lịch âm như Ngày Tết nguyên tiêu, Ngày xá tội vong nhân, rằm trung thu sẽ ra sao…”.

Đặt câu hỏi với Ngọc Linh, bạn đọc Anh Tuấn nói: “Bạn nên nhớ, hàng loạt những ngày lễ hội của làng xóm đều sau Tết, nếu chuyển sang dương lịch. Tôi sẽ không hiểu người như tôi và những bạn bè có thể được dự những ngày hội làng nữa không. Vì tôi luôn đi làm xa nhà”.

Liên quan tới thông tin đề xuất lịch nghỉ Tết âm lịch 9 ngày, có nhiều trăn trở khác:

- Lại sắp Tết rồi, lại cành đào, bánh chưng, khoanh giò. Người đi xa lại nôn nao nhớ mẹ... (Bạn đọc Nguyễn Mai)

- Mức thưởng Tết nào sao nhỉ? (Bạn đọc Lê Xuân Ái băn khăn).

- Chúng tôi là lao động trong khu vực doanh nghiệp tư nhân, vậy lịch nghỉ này không áp dụng với chúng tôi, hơi buồn... (Bạn đọc Dũng Phát).

- Tôi là doanh nghiệp miền Nam, cứ mỗi năm nghỉ Tết xong, tôi lại phải tuyển mới hàng trăm công nhân vì họ không trở lại làm việc. (Bạn đọc David Nhung)

- Tết sắp tới rồi, không biết giá tàu xe thế nào các bác nhỉ, có tăng giá không? (Bạn đọc Người xa quê).

- Tại sao chỉ điều chỉnh lịch nghỉ tết chỉ là cán bộ, công chức, viên chức, mà không tới người lao động ở các doanh nghiệp nước ngoài. Họ cũng cần có một cái Tết đàng hoàng. Trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài họ bảo là làm theo đúng luật Việt Nam đề ra? (Bạn đọc Lê Quang Thảo).

Hoàng Mạnh (tổng hợp)