Trân trọng nhân viên đúng cách

William James, cha đẻ của ngành tâm lý học hiện đại, cho rằng nhu cầu tâm lý quan trọng nhất của một cá nhân chính là cảm thấy được trân trọng. Tất cả chúng ta đều muốn được cảm thấy trân trọng ở nơi công sở.

Phần thưởng đáng giá nhất của một người sếp giỏi chính là khi các nhân viên sẵn sàng làm nhiều hơn những gì họ được yêu cầu. Thế nhưng, dù hầu hết các nhà quản lý đều hiểu rõ rằng cần phải bày tỏ thái độ trân trọng đối với nhân viên, họ vẫn thường bỏ qua bởi cho rằng mình đã trân trọng nhân viên nhiều hơn là nhân viên trân trọng sếp.

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, nhà quản lý dễ cảm thấy mình quá bận rộn cho những cuộc trao đổi trực diện với nhân viên, dù đấy là một trong những cách thúc đẩy tinh thần hiệu quả nhất cho nhân viên. Ngoài ra, thái độ trân trọng cũng rất ít khi được sếp chuyển đổi thành một hành động cụ thể.
Trân trọng nhân viên đúng cách


Nhìn chung, thể hiện sự trân trọng với nhân viên không chỉ là vấn đề ý thức và cách thức, mà là mức độ ưu tiên của vấn đề cũng như thể hiện bằng hành động cụ thể.

Các cuộc gặp giữa sếp với nhân viên có thể mang màu sắc tích cực hoặc tiêu cực. Nghiên cứu từ Gallup cho thấy, trong một nhóm làm việc, khi tỷ lệ cuộc tiếp xúc tích cực so với tiêu cực giữa sếp và nhân viên ở mức 3:1 trở lên, nhóm sẽ làm việc hiệu quả hơn nhiều so với khi tỷ lệ này dưới mức 3:1.

Hay nói cách khác, những nhóm làm việc hiệu quả có ít nhất ba cuộc tiếp xúc dẫn đến kết quả tích cực giữa cấp trên và cấp dưới, trong khi chỉ có một cuộc tiếp xúc mang đến kết quả tiêu cực.

Bày tỏ sự trân trọng được xem là cuộc tiếp xúc mang tính tích cực và cực kỳ đơn giản để gia tăng tỷ lệ quan trọng ấy. Là nhà quản lý, hãy bắt đầu theo dõi, kiểm ra tỷ lệ ấy mỗi tuần nhằm đo lường mức độ trân trọng của mình dành cho nhân viên.

Tìm kiếm cơ hội để khen thưởng kết quả làm việc hoặc những cải thiện tích cực trong quá trình làm việc. Đó đồng thời cũng là một yếu tố tâm lý cơ bản, luôn khen thưởng những hành vi mà nhà quản lý muốn được chứng kiến nhiều hơn.

Là sếp, bất kỳ lúc nào thấy nhân viên làm một công việc vừa ý mình, hãy đừng ngại lên tiếng khen ngợi họ. Nhưng đừng bao giờ rơi vào chiếc bẫy của những lời khen quá rập khuôn, mà hãy dành thời gian giải thích tường tận vì sao mình trân trọng hành vi cụ thể ấy của nhân viên.

Chẳng hạn, nhà quản lý có thể nói: “Anh B, tôi thật sự vui với cách anh giải quyết những vấn đề của khách hàng một cách rất nhanh chóng mà không hề gây tổn thất về thời gian và chi phí cho công ty”. Chỉ cần thêm một lời giải thích, nhà quản lý đã nhấn mạnh việc nhân viên tập trung nỗ lực của họ vào đúng chỗ và từ đó gây sự hưng phấn và làm gương cho mọi người xung quanh.

Nếu như một nhân viên xứng đáng được trân trọng thì tại sao sếp lại tiếc lời bày tỏ sự trân trọng dành cho họ?

Sau đây là những bước đi rất giản đơn để bày tỏ sự biết ơn của bạn dành cho sự cống hiến của nhân viên:

• Nói tiếng “Cảm ơn”: Quá hiển nhiên nhưng rất ít được sử dụng thường xuyên.

• Trở lại hướng đi truyền thống với lối viết thiệp cảm ơn cho nhân viên để bày tỏ lý do vì sao bạn trân trọng họ.

• Cho phép nhân viên trình bày công việc của mình trước mặt các sếp cao hơn trong tổ chức. Đây rõ ràng là một cách đi giúp nhà quản lý gắn kết với nhân viên và cho các lãnh đạo cấp cao nhất thấy được khả năng lãnh đạo của nhà quản lý cấp dưới.

• Cho nhân viên được phép lựa chọn những dự án có sẵn. Chỉ khi nào nhân viên thực sự đam mê với dự án nào đó, họ mới đặt cả tâm và trí vào đấy.

• Đặt phần tuyên dương trong thư gửi định kỳ hoặc tập san nội bộ. Đây được xem là chiếc cúp danh hiệu cho nhân viên.

• Kể cho nhân viên nghe một câu chuyện thành công trong các cuộc họp như một lời truyền cảm hứng đến mọi người theo một lối đi cuốn hút, ý nghĩa, sâu sắc và đáng ghi nhớ hơn.

• Mời nhân viên ăn trưa để bày tỏ sự trân trọng. Nhớ rằng hãy lắng nghe nhiều hơn.
Theo Doanh nhân Sài gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm