Trả lương “nhân tài đặc biệt” 30 triệu đồng: Ai muốn cống hiến?

Nhiều ý kiến cho rằng, với mức thu nhập này đối với các tài năng đã khó, đối với những nhân tài “đặc biệt” còn khó hơn.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực thành phố có nhu cầu giai đoạn 2018 - 2022.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo các đại biểu, đề án thu hút nhân tài cho thành phố không mới nhưng được hình thành trong thời điểm TPHCM đang thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù là hết sức cần thiết.

Nhiều đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành đã lấy Đà Nẵng làm ví dụ điển hình trong việc đầu tư và đãi ngộ nhân tài, nhưng sau đó có rất nhiều người trả lại các dự án.

Nhiều vụ kiện tụng đã xảy ra trong quá trình các nhân tài này vi phạm hợp đồng… Các đại biểu có nhiều băn khoăn về việc chế độ đãi ngộ, vấn đề thi tuyển, môi trường làm việc như thế nào để các nhân tài đặc biệt có thể phát huy được khả năng và ra sức cống hiến cho thành phố…

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Văn Biên, Phó Chủ tịch Hội Sinh học TPHCM, một trong những hạn chế lớn nhất làm cho những người có tài năng không phát huy được là do điều kiện và môi trường làm việc.

Dù tài năng đặc biệt thì vẫn cần một tập thể được hình thành xung quanh tài năng này để có thể phát huy hiệu quả như mong muốn. Đồng thời, dự án đưa ra trong thời điểm này không nên chung chung mà cần mở rộng cho mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó thành phố cần đưa ra những vấn đề ưu tiên như chống ngập nước, kẹt xe…

Nhiều đại biểu cho rằng, dự án đưa ra mức hưởng chính sách hỗ trợ về sinh hoạt phí cho nhân tài đặc biệt là quá thấp, từ 20 đến 30 triệu đồng mỗi tháng đã bao gồm tiền lương hàng tháng và các khoản phụ cấp kèm theo (nếu có). Với mức thu nhập này đối với các tài năng đã khó, đối với những nhân tài “đặc biệt” còn khó hơn.

Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, đề án mới chỉ tập trung vào những người trẻ, còn các lãnh đạo chính quyền cũng rất cần phải thu hút nhân tài. Luật sư Hậu còn bày tỏ lo ngại về việc đảm bảo sự công bằng, khách quan trong quá trình thu hút, tuyển dụng và sử dụng nhân tài khi mà cơ chế xin - cho, tình trạng “con ông cháu cha còn nhiều”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói: “Trong hoàn cảnh đề án đưa ra những lợi ích, chính sách hấp dẫn với nhân tài. Chúng ta cần thiết phải đặt ra chế tài phải rất nghiêm khắc đối với các hiện tượng lạm dụng đề án để trục lợi. Phải đấu tranh kiên quyết, có hiệu quả bệnh kéo bè, kéo cánh, bệnh dùng người thân quen, bệnh hẹp hòi trong thu hút và trọng dụng nhân tài”.

Theo Kim Dung/VOV-TPHCM