TPHCM: Nữ lao công vừa làm vừa lo giữa mùa dịch Covid-19
(Dân trí) - "Nghề quét rác như chúng tôi luôn đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tật vì làm trong môi trường độc hại. Ở mùa dịch này, nguy cơ ấy càng lớn hơn...", chị Võ Thị Ngọc Đen (TPHCM) tâm sự.
Công việc không ngưng trong ngày giãn cách
Những ngày này, đường phố Sài Gòn vắng vẻ vì cách ly xã hội để phòng dịch Covid-19. Về đêm, giữa không gian tĩnh mịch, tiếng chổi tre cùng hình ảnh nữ công nhân đang quét rác được nhiều người qua lại chú ý.
Hơn 4 tiếng quét dọn, chiếc áo của nữ công nhân Võ Thị Ngọc Đen (48 tuổi, nhân viên Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích quận Bình Thạnh) đã thấm đẫm mồ hôi. Chị đã gắn bó với nghề hơn 10 năm một phần vì mức thu nhập ổn định.
Cứ 21h hàng ngày, chị Võ Thị Ngọc Đen bắt đầu đẩy xe rác dọc các tuyến đường Bạch Đằng, Hoàng Hoa Thám, Lê Quang Định... Nhiều người dân sinh sống lâu năm ở đây đã quá quen với gương mặt chị mỗi đêm.
"Nghề của chúng tôi luôn đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tật vì làm trong môi trường độc hại. Ở mùa dịch này, nguy cơ ấy càng lớn hơn. Vì hoàn cảnh, vì cuộc sống nên tôi và anh chị em đồng nghiệp đều phải cố gắng" - chị trải lòng.
Để giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình, chị phải bảo hộ thêm vài lớp găng tay, đeo 2-3 chiếc khẩu trang và thay liên tục.
"Mỗi khi dịch bùng phát, người dân thường thu dọn nhà cửa, vệ sinh không gian sống. Lượng rác thải vì thế cũng tăng lên gấp 2-3 lần, công việc thu gom rác sẽ càng vất vả hơn'' - nữ lao công vừa nói, vừa gom rác lên xe.
Cũng giống như chị Ngọc Đen, chị Kim Hoa (nhân viên công ích quận 11) cũng gắng không chủ quan, lơ là phòng hộ mỗi ca làm việc. Chị luôn cố gắng trong việc phòng dịch nhằm tránh ảnh hưởng tới nhiều người khác.
"Người dân dùng khẩu trang một lần rất nhiều, ngày nào tôi cũng phải tiếp xúc. Nếu không cẩn thận mình dễ bị lây nhiễm bệnh. Công việc mà, chúng tôi phải thích nghi để kiếm sống" - chị Kim Hoa tâm sự.
Chưa từng nghĩ sẽ rời xa công việc
Khoảng 10 năm trước, chị Võ Thị Ngọc Đen từng làm công nhân may nhưng thu nhập không đủ ăn. Năm 2011 chị xin vào làm công nhân vệ sinh môi trường ở quận Bình Thạnh và duy trì công việc đó đến giờ. Nghề này tuy vất vả sớm khuya, nhưng bù lại cho thu nhập tạm đủ để lo cho gia đình.
"Chồng tôi hiện tại đã nghỉ hưu không có công ăn việc làm. Con học Đại học cần nhiều khoản chi phí, hầu hết kinh tế gia đình trông cậy vào đồng lương ít ỏi nhờ nghề lao công" - chị Võ Thị Ngọc Đen tâm sự và kể rằng, cứ hết ca làm, sau ít giờ tranh thủ ngả lưng nghỉ ngơi, chị lại bắt đầu công việc làm thêm vào buổi sáng để nâng cao thu nhập.
Với mức lương 8 triệu đồng/tháng, chị kể cứ lĩnh xong là đưa cho chồng để lo chi phí sinh hoạt, trả tiền điện nước. Có tháng, để đóng học phí cho con, người phụ nữ này phải vay mượn thêm bạn bè.
Công việc vất vả, ảnh hưởng sức khỏe là vậy nhưng chị Võ Thị Ngọc Đen chưa từng nghĩ tới chuyện thay đổi.
Thông qua báo đài, chị được biết TPHCM cũng sắp triển khai hỗ trợ gói cho lao động gặp khó vì dịch Covid-19. Chị mong mình được nhận hỗ trợ để bớt gánh nặng mưu sinh và có tiền đóng học phí cho con.
Năm 2020, Chị Kim Hoa đã nhận được hỗ trợ của Chính phủ và UBND TPHCM từ gói 62.000 tỷ đồng. Năm nay chị cũng mong tiếp tục được nhận hỗ trợ để có kinh phí mua quần áo, sách vở cho con chuẩn bị vào năm học mới.