1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM: Nhu cầu nhân lực giảm mạnh

(Dân trí) - Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), nhu cầu tuyển dụng lao động quý IV/2012 chỉ tương đương với quý III/2012, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong đó, giảm mạnh nhất là ở ngành Tài chính - Ngân hàng với mức giảm hơn 66% so với quý III/2012. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Falmi cho biết: “Việc tái cấu trúc lại của các ngân hàng trong năm 2012 đã ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu tuyển dụng ngành Tài chính – Ngân hàng”.

TPHCM: Nhu cầu nhân lực giảm mạnh
Trong quý IV/2012, chỉ có một số nhóm ngành dịch vụ như bán hàng, y tế là có nhu cầu nhân lực tăng cao

Một số nhóm ngành khác có mức giảm nhu cầu nhân lực cao trong quý IV/2012 là Dệt may – Giày da với mức giảm lên đến 43% so với quý III/2012, Dịch vụ giảm hơn 19%, Marketing - Nhân viên kinh doanh giảm hơn 18%, Quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng giảm gần 4%...

Nhu cầu lao động các nhóm ngành nghề kỹ thuật như Cơ khí, Điện tử - Viễn thông, Xây dựng – kiến trúc cũng có xu hướng giảm từ 1% – 3%. Chỉ riêng các nhóm ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe, Dược, Bán hàng là có nhu cầu nhân lực tăng trong quý IV/2012.

Riêng trong tháng 12/2012, thành phố cần có 20.000 lao động; trong đó nhu cầu lao động thời vụ chiếm khoảng 50% phục vụ chủ yếu cho các hoạt động bán hàng, dịch vụ, nhà hàng, bảo hiểm, tư vấn, chăm sóc khách hàng …

Về trình độ chuyên môn, nhu cầu nhân lực trình độ từ trung cấp trở lên chiếm hơn 60%, tăng gần 9% so với quý III/2012; lao động chưa qua đào tạo chiếm hơn 33%, tập trung ở nhóm ngành Bán hàng, Dịch vụ phục vụ, Dệt may giày da, Điện tử - Viễn thông…

Căn cứ thông tin nhu cầu tuyển dụng năm 2013 của các doanh nghiệp, Falmi cũng ước đoán nhu cầu tuyển dụng quý I/2013 của thị trường TPHCM là khoảng 65.000 chỗ làm, tập trung các ngành nghề như: Dệt may - Giày da, Du lịch – Giải trí, Cơ khí, Công nghệ thông tin… Riêng tháng 1/2013, nhu cầu lao động thời vụ tập trung nhiều với số lượng trên 20.000 người cho mùa bán hàng Tết.

Theo xu hướng chung, tháng 1/2013 nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ không tăng trong các ngành cần lao động sản xuất, công nghệ; nhu cầu tuyển dụng chủ yếu các ngành Bán hàng, Dịch vụ - Phục vụ, Kinh doanh – Marketing, Sản xuất chế biến lương thực - Thực phẩm, Du lịch – Giải trí, Nhà hàng – Khách sạn, Y tế - Chăm sóc sức khỏe.

Sang tháng 2/2013 là thời điểm bắt đầu năm làm việc mới sau Tết Nguyên đán, thông thường đây là thời điểm biến động nhân sự rất lớn do một lượng lớn lao động về quê ăn Tết và không trở lại thành phố. Tuy nhiên, về tình hình lao động sau Tết năm nay, ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Nhận định chung, lực lượng lao động thành phố sẽ ổn định, không thiếu hụt nghiêm trọng như các năm trước”.

Theo Falmi, sang tháng 3/2013, nhu cầu nhân lực tập trung các ngành Dệt may – Giày gia, Đầu tư bất động sản, Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Cơ khí, Dược – Công nghệ sinh học.

Tùng Nguyên