Tổng LĐLĐ VN: Lo ngại người lao động nhận sổ BHXH chưa tới 97 %
(Dân trí) - “Qua giám sát của Tổng LĐLĐ VN, số lượng 97 % sổ BHXH mới chỉ được chuyển khỏi sự quản lý của cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương. Còn thực tế, số sổ BHXH này có tới được tay người lao động vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ…”
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ VN, nhận định tại buổi họp báo về kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT, do Bảo hiểm xã hội VN tổ chức sáng 29/8 tại Hà Nội.
Dẫn chứng về điều này, vị Phó trưởng Ban Quan hệ lao động cho biết kết quả khảo sát một doanh nghiệp có tới 1.100 lao động tại Long An thời gian qua: “Cơ quan BHXH tỉnh thông báo đã chuyển toàn bộ sổ BHXH của người lao động tới doanh nghiệp. Nhưng qua kiểm tra vẫn còn tới 741 sổ BHXH đang được doanh nghiệp quản lý”.
Đây không phải là tình trạng cá biệt mà đã diễn ra ở nhiều địa phương.
Theo lý giải của ông Lê Đình Quảng, về nguyên tắc, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh phải chuyển sổ BHXH tới tận tay người lao động: “Nhưng cơ quan BHXH ở một số địa phương lại chọn cách ủy quyền cho hệ thống bưu điện thực hiện việc trả sổ. Trong khi đó, cơ quan bưu điện lại chỉ trả sổ BHXH về cho doanh nghiệp”.
“Mục đích chính của quy định bàn giao sổ BHXH tới từng người lao động nhằm giám sát việc đóng BHXH của chủ sử dụng có đúng với quy định của Luật BHXH hay không” - ông Lê Đình Quảng cho biết.
Ngay cả khi doanh nghiệp bàn giao sổ BHXH cho người lao động, nhiều người lao động không muốn nhận và nhờ doanh nghiệp giữ bởi nhiều lý do.
“Vì vậy, sổ BHXH không đến tận tay người lao động là đương nhiên. Và con số 97 % sổ BHXH đã bàn giao tới người lao động là con số cần xem lại” - ông Lê Đình Quảng kết luận.
Từ thực tế này, ông Lê Đình Quảng kiến nghị, cơ quan BHXH cần phải thực hiện bàn giao sổ BHXH theo đúng quy trình, giao tận tay cho người lao động, để bảo đảm quyền lợi cho họ.
Trước đó, cũng tại cuộc họp trên, bà Đinh Mai Hạnh - Phó Trưởng ban Sổ Thẻ (BHXH VN) cho biết, đến hết tháng 8/2018, cơ quan BHXH các địa phương đã bàn giao sổ BHXH cho người lao động với tỉ lệ đạt 97% trên tổng số lượng phải giao.
BHXH Việt Nam đang đôn đốc, hướng dẫn BHXH các tỉnh hướng giải quyết vướng mắc này để khẩn trương in, trả sổ cho người lao động, phấn đấu hoàn thành trong tháng 9 năm nay.
Tuy nhiên, bà Đinh Mai Hạnh thừa nhận thực tế ở một số nơi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang xảy ra tình trạng sổ BHXH còn chưa có người lao động nhận.
“Một số đơn vị sử dụng lao động chưa chuyển lại mẫu kê khai, rà soát (Mẫu 03) về cơ quan BHXH. Một số người lao động làm việc ở nhiều địa bàn, thường xuyên di chuyển nên chưa thu hồi được Mẫu 03. Hoặc cũng có người lao động không đồng ý ký vào Mẫu 03, do giữa họ và chủ doanh nghiệp (ở tình trạng nợ đọng kéo dài), chưa thống nhất được thời gian tham gia BHXH…” - bà Đinh Mai Hạnh lý giải nguyên nhân.
Cảnh báo xu hướng nghỉ việc sau tuổi 35
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN):
“Những doanh nghiệp sử dụng đông lao động phổ thông như dệt may, da giày đều xuất hiện tình trạng lao động sau 35 tuổi nghỉ việc. Đơn cử ở một Cty chế biến thuỷ sản ở Hậu Giang, chủ doanh nghiệp cho biết: Với điều kiện lao động của ngành, công nhân có tuổi hoặc sau 35 tuổi khó chịu được điều kiện làm việc. Họ phải tự xin thôi việc để tìm công việc khác”.
Cũng theo vị Phó Ban Quan hệ lao động, không chỉ là công việc vất vả, nhiều doanh nghiệp còn chủ động tìm cách để “thải loại” lao động trên 35 tuổi nhằm giảm mức đóng BHXH, BHYT. Thậm chí có cả biện pháp hỗ trợ, khuyến khích người lao động tự nghỉ.
“Những người lao động trên khó có cơ hội quay trở lại khu vực co quan hệ lao động, vì tuổi cao và sức khoẻ có hạn. Do đó, số lao động nhận trợ cấp BHXH một lần chủ yếu ở nhóm này” - ông Lê Đình Quảng nhận xét.
Hoàng Mạnh