Tôi đề nghị sếp tăng lương hay nhận việc nơi mới lương 25 triệu đồng?

(Dân trí) - Tôi đang đắn đo với hai lựa chọn: Lời mời sang làm trưởng phòng kinh doanh của Cty mới được thành lập và mong muốn đóng góp lâu dài với công ty hiện tại. Điểm mấu chốt khiến tôi có thể ở lại là việc tăng lương. Nhưng phải nói với sếp ra sao bây giờ?


Chọn ngả rẽ mới hay gắn bó với công ty cũ? (Ảnh TL)

Chọn ngả rẽ mới hay gắn bó với công ty cũ? (Ảnh TL)

Sau 3 năm gắn bó, anh Huy - Trưởng phòng kinh doanh cũ của chúng tôi -xin nghỉ để cùng vài người bạn góp vốn lập một Cty kinh doanh hàng tiêu dùng. Bẵng đi vài tháng, tới cuối năm 2015, tôi nhận được cuộc gọi của anh Huy mời đi uống cà phê.

Buổi cà phê chỉ là cái cớ gặp mặt. Sau vài phút xã giao, anh Huy đặt thẳng vấn đề mời tôi sang làm trưởng phòng kinh doanh của Cty do anh góp vốn.

“Tôi biết năng lực, tính máu lửa và khả năng bám thị trường của cậu. Chưa kể anh em ta đã va với nhau quá nhiều nên càng hiểu nhau. Môi trường công ty mới đang cần một trưởng phòng như cậu. Sang đó, cậu sẽ có “sân chơi” thử sức với đam mê của mình” - Vị cựu trưởng phòng thẳng thắn.

Bên cạnh lời mời, anh Huy cũng cho biết tình hình kinh doanh của công ty mới dù chưa phải là thành công nhưng đã có lãi dù chưa cao. Mặt khác, việc chấp nhận lỗ hoặc hòa trong 1-2 năm đã nằm trong lộ trình của Hội đồng quản trị.

Dù không theo sát, nhưng là người trong ngành, tôi có nhiều kênh thông tin để biết và khẳng định: Anh Huy nói không sai về tình hình hoạt động của công ty này.

Anh Huy còn đề nghị với tôi mức lương tháng khởi điểm của vị trí trưởng phòng là 25 triệu đồng. Mức lương này cao hơn 10 triệu đồng so với vị trí hiện nay của tôi là phó phòng.

Dẫu thấy có nhiều điểm hấp dẫn và lương cao, nhưng tôi vẫn xin phép có thời gian suy nghĩ. Đợt đầu tháng 4, anh Huy có hỏi lại tôi. Chỗ anh em thân tình, anh Huy cho biết Hội đồng quản trị cũng đã có phương án dự phòng là tìm một ứng viên tương tự như tôi thông qua một công ty “săn đầu người” - headhunter.

“Tôi vẫn bảo vệ quan điểm chọn cậu là phương án 1. Vì chúng ta đã hiểu nhau. Cậu quen biết thị trường, sản phẩm và có uy tín với hệ thống khách hàng. Vừa là chỗ thân tình và Cty cũng không cần đào tạo nhiều” - anh Huy giải thích.

Lúc này, tôi thực sự suy nghĩ nghiêm túc về lời đề nghị của anh Huy.

Cũng khá trùng hợp vì tình hình tăng lương của Cty giậm chân tại chỗ quá lâu. Tôi vào được 3 năm, công việc phó phòng kinh doanh có nhiều áp lực nhưng chỉ nhận mức lương 15 đồng//tháng suốt năm 2015. Trong khi đó, đánh giá hiệu quả công việc của tôi (KPI) đều ở mức khá.

Nhiều anh em trong công ty đang xì xào về khả năng các sếp còn điều chỉnh phúc lợi do tình hình kinh doanh năm 2015 chưa như mong muốn.

Thực ra, công ty nào cũng có những khó khăn và thăng trầm riêng. Tôi cho rằng, công ty hiện tại có uy tín, thương hiệu trên thị trường. Tôi đã yêu mến thương hiệu của công ty, tự hào vì mang chiếc áo của công ty. Cũng nhờ đó, tôi học được nhiều thứ.

Nhưng thực tế, nếu mức lương như hiện nay sẽ khó làm tôi yên lòng. Bởi sau tôi còn gia đình, con cái, tiền thuê nhà, thuốc chữa bệnh cho vợ và các chi tiêu hàng ngày…

Nhiều đêm nằm nghĩ, tôi ao ước có một phép lạ để một buổi sáng Cty có quyết định tăng lương cho mình. Dù chỉ 3 hay 5 triệu đồng thì tốt biết mấy!. Đó cũng là sự đánh giá đúng và động viên sau cả một thời gian dài không tăng lương. Và hơn nữa, có thể đó là điều giúp tôi bớt tự ti khi so sánh với mức lương mà anh Huy gợi ý.

Nỗi trăn trở của tôi là vậy!.

Con đường với 2 ngả rẽ đang đòi hỏi tôi phải có 1 lựa chọn duy nhất.

Vậy theo các bạn, tôi nên chọn ngả rẽ nào?

Trịnh Đình Quang (Hoàn Kiếm, Hà Nội)