Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH:

"Tính toán cơ chế tốt để tạo nguồn lao động làm việc ở nước ngoài"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh gợi ý Sóc Trăng quan tâm hơn việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, vừa có thu nhập tốt, vừa có nguồn nhân lực chất lượng trở về địa phương sau này.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nêu ý kiến trên tại hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030", diễn ra ngày 18/9.

Trăn trở nguồn nhân lực chất lượng cao

Tính toán cơ chế tốt để tạo nguồn lao động làm việc ở nước ngoài - 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại hội thảo về nguồn lao động ở Sóc Trăng (Ảnh: Huỳnh Hải).

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thị trường lao động - việc làm bị tác động nặng nề. Có thời điểm, nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, trong giai đoạn Covid-19, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, qua đó đã hỗ trợ 120.000 tỷ đồng đến 68 triệu lượt người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động.

"Để thực hiện chính sách, Sóc Trăng và các địa phương rất vất vả nhưng việc làm này hết sức ý nghĩa, giúp người dân ổn định cuộc sống, an sinh xã hội được đảm bảo. Sau đó, người lao động cũng an tâm trở lại thị trường lao động", Thứ trưởng Thanh chia sẻ.

Thông tin tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động tại tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cả về trước mắt và lâu dài.

"Chỉ số năng lực cạnh tranh về lao động của tỉnh năm 2022 tuy tăng 2 bậc so với năm 2021 nhưng vẫn ở mức thấp. Việc phân luồng học sinh sau trung học chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ lao động của tỉnh xuất cư, làm việc ngoài tỉnh khá cao...", ông Lâu nêu tồn tại và cho rằng đây là những vấn đề đặt ra với lĩnh vực lao động, việc làm của tỉnh.

Theo ông Lâu, theo quy hoạch đến năm 2030 tỉnh có hàng chục khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhiều dự án, công trình trọng điểm được đầu tư, hàng nghìn doanh nghiệp thành lập mới… với nhu cầu tuyển dụng 66.000 lao động.

"Thực tế này đặt ra yêu cầu, phải chuẩn bị được nguồn lao động chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp", Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng nêu vấn đề.

Tính toán cơ chế tốt để tạo nguồn lao động làm việc ở nước ngoài - 2

Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại diện bộ, ngành, địa phương, trường học, doanh nghiệp... hướng tới việc tìm giải pháp nâng cao chất lượng lao động cho tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: Huỳnh Hải).

 Việc làm ở nước ngoài nhiều, nguồn cung nhân lực lại khó

Nêu giải pháp với tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, địa phương cần rà soát và chủ động ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về việc làm, giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội, tập trung vào 3 nội dung là kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội bền vững.

"Các trung tâm dịch vụ việc làm cần kết nối liên tỉnh, liên vùng, đảm bảo nguồn cung cả về số lượng và chất lượng cho phát triển kinh tế", Thứ trưởng Thanh nhấn mạnh.

Trong công tác đào tạo, trước mắt địa phương cần tập trung đầu tư nâng cao năng lực Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng thành trường chất lượng cao, đáp ứng nhân lực chất lượng cao của địa phương, hướng đến đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng đề nghị tỉnh quan tâm việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

"Hiện nay thị trường việc làm ở nước ngoài đang dồi dào nhưng nguồn cung ứng lao động trong nước khó khăn, không phải do thiếu người mà do cách tuyển dụng, nhận thức việc đi lao động ở nước ngoài còn hạn chế", Thứ trưởng gợi ý tạo nguồn cho các doanh nghiệp, tổ chức đến Sóc Trăng tuyển dụng lao động.

Ông dẫn chứng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là 3 thị trường đảm bảo thu nhập tốt, đào tạo lao động có kỹ năng, sau này là nhân lực tốt trở về phục vụ tại địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Sóc Trăng còn nhiều khó khăn đối với việc giảm hộ nghèo. Do đó, tỉnh cần tạo ra sinh kế, phát triển sản xuất, tạo việc làm, có thu nhập cho người dân mới thoát nghèo được.

"Đề nghị tỉnh khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất và dịch vụ có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo ở vùng nông thôn", Thứ trưởng Lê Văn Thanh gợi mở.