Tin vào lời hứa "đi nước ngoài không cần học", người đàn ông mất 70 triệu

PV

(Dân trí) - Được một người quen giới thiệu, anh Toàn (35 tuổi) đóng 70 triệu đồng tiền "chống trốn" với hứa hẹn sẽ được sang Hàn Quốc làm thời vụ mà không cần học nghề hay học tiếng.

Lời cam kết qua điện thoại

Giữa năm 2023, anh Phạm Quang Toàn, một thợ xây cảm thấy sốt ruột vì việc làm không được đều như trước khiến thu nhập giảm chỉ còn 4-8 triệu đồng/tháng. Khi ấy, theo lời giới thiệu của một người quen trong làng, anh Toàn liên hệ với một người phụ nữ tên Thùy để tìm đường qua Hàn Quốc làm thời vụ.

Trao đổi qua điện thoại, bà Thùy cam kết với anh: "Ba tháng sau là có thể sang Hàn Quốc làm việc với mức lương xấp xỉ 40 triệu đồng/tháng".

Tháng 7/2023, anh Toàn được yêu cầu chụp ảnh chân dung để làm hợp đồng. Tuy vậy, khi ký hợp đồng chỉ có anh Toàn và một người tự xưng là luật sư của văn phòng luật tại Đồng Tháp, không có sự xuất hiện của bà Thùy. Sau khi ký hợp đồng, người luật sư kia hứa hẹn "miệng" rằng tháng 8 chắc chắn anh Toàn sẽ đi Hàn Quốc làm việc.

Vị luật sư cũng yêu cầu anh Toàn đóng 70 triệu đồng tiền "chống trốn", nghĩa là nếu trong thời gian làm việc mà anh bỏ trốn ra ngoài thì anh sẽ mất toàn bộ số tiền này. Sau khi có visa anh sẽ phải đóng thêm tổng cộng 10.000 USD mới có thể sang Hàn Quốc làm việc.

"Trước đây tôi tìm hiểu thì đi Hàn, đi Nhật cũng tốn tầm ấy tiền nhưng phải học tiếng, nhiều chỗ còn phải có kỹ năng, tay nghề. Tôi thấy chỗ này cũng tầm ấy tiền nhưng không yêu cầu gì cả nên quyết định ký luôn. Trong hợp đồng có ghi địa chỉ của công ty ở Đồng Tháp", anh Toàn cho hay.  

Tin vào lời hứa đi nước ngoài không cần học, người đàn ông mất 70 triệu - 1

Một đối tượng nhận tiền của nhiều người lừa làm các thủ tục đi Hàn Quốc, sau đó lấy tiêu xài việc cá nhân mới bị bắt giữ (Ảnh: Công an Ninh Bình).

Hợp đồng cũng ghi rõ anh sẽ được làm việc ở gần bến cảng, trong một xưởng chế biến hải sản, công việc sẽ là rửa rong biển và chế biến cá. Lần đầu anh sẽ được đi 10 tháng. Hết thời gian này anh sẽ về lại Việt Nam rồi lại gia hạn hợp đồng thêm 10 tháng nữa. "Người ta nói mình có thể làm như thế đến lúc mình không muốn đi nữa", anh Toàn chia sẻ.

Tuy vậy, khi hết tháng 8, vẫn chưa thấy lịch xuất cảnh, anh Toàn gọi điện cho bà Thùy thì được thông báo "quy trình làm thủ tục bị kéo dài hơn, xin lùi thời gian bay sang tháng 10, nếu không đi được sẽ trả lại tiền cọc". Sau đó, anh đã nhiều lần gọi điện nhưng số điện thoại của bà Thùy là sim rác và đã không còn liên lạc được.

Đến nay, anh cũng vẫn chưa được xuất cảnh, khi hỏi lại người quen đã giới thiệu bà Thùy cho anh thì người này cũng nói chưa gặp bà Thùy bao giờ, chỉ có số điện thoại. 

Cảnh báo lừa đảo

Tương tự anh Toàn, chị Lê Thị Cẩm - một công nhân tại TPHCM cũng lạc vào bẫy của những kẻ lừa đảo và mất 15 triệu đồng chỉ trong vòng một ngày.

"Người ta quảng cáo rất hấp dẫn. Chỉ cần đóng cọc 5 triệu đồng duy nhất thôi. Sau đấy tổng chi phí là 41 triệu đồng thì mình sang đi làm xong mình trả dần. Lương tháng 40-45 triệu đồng", chị Cẩm cho hay.

Theo chị Cẩm, thông qua Facebook, chị được một người tự xưng là nhân viên của công ty xuất khẩu lao động. Biết chị đang có nhu cầu, nhân viên này hứa chỉ cần đặt cọc 5 triệu đồng là có thể làm hồ sơ và nhanh chóng đưa chị ra nước ngoài làm việc.

Sau khi chuyển tiền và chụp ảnh CCCD, Hộ chiếu, chị được hứa hẹn sẽ hỗ trợ làm nhanh visa và có thể bay sau một tháng. "Đây là diện E8 đã được Nhà nước mình quy định trong luật pháp nên không có gì phải sợ", được giải thích như vậy, chị Cẩm tạm thời yên tâm.

Tuy vậy, chỉ sáng hôm sau, chị nhận được cuộc gọi của người môi giới: "Em cần đóng thêm 10 triệu để làm bảo hiểm". Nhận thấy có "mùi" lừa đảo, chị Cẩm hỏi lý do thì bên môi giới giải thích thêm: "Đây là tiền ứng trước để làm gấp thôi. Bên chị sẽ hoàn tiền trong vòng một giờ nữa". Vì sợ bỏ lỡ cơ hội được làm việc nhẹ lương cao, chị Lan bấm bụng chuyển thêm 10 triệu. Ngay sau khi chuyển tiền, toàn bộ số điện thoại, zalo, facebook của chị đều bị bên môi giới chặn.

Không có hợp đồng, số điện thoại được gọi từ sim rác, chị không còn cách nào đành chấp nhận mất trắng 15 triệu - số tiền lớn với một công nhân như chị.

Vài năm trở lại đây, chính quyền một số địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc ký thỏa thuận cho phép đưa lao động sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, hay còn gọi là chương trình visa E8.

Lợi dụng thông tin này, nhiều đối tượng dụ dỗ người lao động đóng tiền với hứa hẹn có công việc nhẹ, lương cao, không yêu cầu trình độ và có thể đi theo từng giai đoạn ngắn.

Tháng 1, Công an tỉnh Hậu Giang bắt tạm giam Lê Thị Chúc Phương, 43 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phương bị cáo buộc nhận hơn 10,5 tỷ đồng để đưa hàng trăm người sang Hàn Quốc làm việc với thu nhập 40-50 triệu đồng mỗi tháng nhưng không thực hiện.

Người dân ở một số tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Quảng Bình,... cũng tố cáo nhiều trường hợp tương tự từ năm 2023 đến nay.

Ngày 24/9, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tiếp tục thông tin cảnh báo về tình trạng lừa đảo nhằm vào người lao động có nhu cầu làm việc thời vụ tại Hàn Quốc (visa E8).

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, mặc dù đã có cơ chế rõ ràng, song tình trạng lừa đảo vẫn diễn ra phức tạp. Các đối tượng xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đưa ra thông tin sai lệch, dụ dỗ, tuyển chọn lao động trái quy định.

Người lao động nếu có nhu cầu làm việc tại Hàn Quốc theo diện visa E8 chỉ nên liên hệ trực tiếp với Sở LĐ-TB&XH hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở nơi mình cư trú. Đây là những đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ công cấp thông tin và thực hiện chương trình này.

Người lao động cũng có thể liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước qua số điện thoại 0243.8.249.517, máy lẻ 511 hoặc 304 để được tư vấn thêm về thông tin chính thống và quy trình tham gia chương trình.

Chương trình visa E8 được thí điểm từ năm 2022, thời gian thí điểm trong 5 năm. Đây là chương trình hợp tác giữa địa phương Việt Nam và địa phương Hàn Quốc theo hình thức phi lợi nhuận nên không giao cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình này.

Do đó, bất kỳ doanh nghiệp nào đứng ra tổ chức môi giới cho lao động đi xuất khẩu theo diện E8 đều không được phép. Người lao động được đi theo diện này đều không mất phí.

Hiện tại, chỉ có 17 địa phương tại Việt Nam được phép tổ chức việc tuyển chọn và đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc theo diện visa E8, bao gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên - Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Nam Định, Đắk Lắk, Yên Bái, Lâm Đồng, Bạc Liêu và Phú Yên. 

Hằng Nguyễn