1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tiểu thương chợ thời trang lớn nhất TPHCM cả tuần không bán nổi một cái áo

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Thường thì ra Giêng hay ế ẩm nhưng thế này thì ế quá rồi, cả tuần không bán nổi cái áo. Tiền vốn chắc phải lỗ một nửa, giờ tôi phải ôm hàng tìm cách bán cho hết".

Cảnh ế ẩm chưa từng thấy

Chủ sạp quần áo Thanh Hải ở tầng 3 của An Đông Plaza (quận 5, TPHCM) ngồi trầm ngâm, ánh mắt đượm buồn vì đã một tuần trôi qua nhưng vẫn không có ai đến mua nổi một chiếc áo, chiếc quần.

"Cứ cái đà này, chắc tôi phải sang nhượng bớt 1 trong 3 mặt bằng tại An Đông Plaza. Còn nếu gồng không nổi, chắc tôi phải bỏ nghề mất", nữ tiểu thương thở dài, nói.

Sáng 28/2, dù là ngày đầu tuần nhưng hoạt động tại An Đông Plaza lại vô cùng ảm đạm. Mặc dù các sạp trống trước đó giờ đã có người thuê, tiểu thương tấp nập chuẩn bị hàng hóa, trang hoàng tiệm nhưng hiếm lắm mới thấy một sạp có người đến mua.

Tiểu thương chợ thời trang lớn nhất TPHCM cả tuần không bán nổi một cái áo - 1

Loạt sạp hàng tại An Đông Plaza đóng cửa im lìm, tiểu thương treo biển cho thuê nhiều tháng liền không thấy ai gọi (Ảnh: Quang Ninh).

Thậm chí, nhiều nơi quá ế khách khiến nhân viên trông tiệm chỉ ngồi xem điện thoại, chơi cờ ca rô, cờ cá ngựa. Tại khu vực tầng trệt, khung cảnh hàng chục sạp hàng nối tiếp nhau bị trả mặt bằng khiến lối đi vào các sạp bên trong ảm đạm, tối tăm.

Nhiều tiểu thương phải sang nhượng sạp vì không gồng gánh nổi, có người từng có 15 sạp nhưng giờ chỉ còn 5, 6. Các sạp trống treo biển cho thuê cả tháng, tiểu thương ngậm ngùi vì không thấy ai gọi.

Không giống như nhiều năm về trước, chỉ mới 14h, chị Lý Cẩm Nhung (51 tuổi, tiểu thương sạp giày dép lại An Đông Plaza) đành đóng cửa sạp vì quá ế ẩm. Chị Nhung cho biết, chị đã kinh doanh tại đây từ năm 2004. Song chị chưa từng chứng kiến năm nào ế khách như thời điểm sau dịch Covid-19 đến nay. Theo thống kê của tiểu thương, sức bán chỉ còn khoảng 40% so với thời điểm trước dịch.

Tiểu thương chợ thời trang lớn nhất TPHCM cả tuần không bán nổi một cái áo - 2

Nhiều tiểu thương thấy cảnh ế ẩm, ngồi chơi cờ, nghịch điện thoại (Ảnh: Quang Ninh).

"Ngày thường khách đến mua phải bán đến tối mới đóng cửa, còn giờ tôi phải đóng cửa từ trưa vì không thấy ai đến mua cả, toàn thấy tiểu thương ngồi ngáp ngắn, ngáp dài với nhau. Bản thân tôi sức khỏe không cho phép, nên cũng không ngồi lâu được", chị Nhung nói.

Theo đó, không ít tiểu thương cho rằng, việc buôn bán ế ẩm là do sự ảnh hưởng của tình hình lao động cuối năm 2022. Cụ thể, khi người lao động bị mất việc, dẫn đến nhu cầu mua sắm thấp đi. Từ đó, những tiểu thương nhỏ, lẻ không bán được hàng dẫn đến những người bán sỉ tại chợ An Đông mất đi nguồn khách hàng, kể cả những đầu mối thân thiết nhiều năm liền.

Tiểu thương chợ thời trang lớn nhất TPHCM cả tuần không bán nổi một cái áo - 3

Tiểu thương ngậm ngùi, cười trừ khi được hỏi sẽ gồng gánh công việc kinh doanh thế nào (Ảnh: Quang Ninh).

Không những vậy, các công ty xí nghiệp không có đơn đặt hàng từ nước ngoài, lượng công nhân thất nghiệp quá lớn vào cuối năm 2022, trong thời điểm kinh tế chưa kịp vực dậy. Khó khăn chồng chất, người bán còn đông hơn người mua.

Ngán cảnh gồng gánh, bám trụ

Những ngày qua, tiểu thương tại An Đông Plaza không chỉ phải gồng gánh việc kinh doanh, mà còn sắp đối mặt với những thay đổi về hợp đồng thuê sạp sắp tới.

Theo chị Lý Cẩm Nhung, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông đã gửi thông báo cho các tiểu thương sắp hết hạn thuê sạp vào ngày 21/4.

Nội dung là về việc không sang nhượng thời gian dài như trước đây là 5 năm (60 tháng), mà chuyển qua cho thuê từng tháng với kỳ hạn kéo dài 6 tháng. Nghĩa là, tiểu thương không được thuê thời hạn 5 năm với số tiền 1,9 tỷ đồng như trước đây, mà chuyển sang thuê từng tháng một với giá thuê hơn 41 triệu đồng, đặt cọc 2 tháng.

Tiểu thương chợ thời trang lớn nhất TPHCM cả tuần không bán nổi một cái áo - 4

Trước những thông tin về việc thay đổi hợp đồng thuê, nhiều tiểu thương rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" Ảnh: Quang Ninh).

Không những vậy, trước tình hình buôn bán ế ẩm, đơn vị còn thông báo sẽ tăng giá thuê sạp lên 25%, khoảng 6-10 triệu đồng/tháng so với giá thuê cũ.

Ngay sau đó, ngày 24/2, hơn 290 thương nhân đã cùng ký tên, viết đơn kiến nghị yêu cầu Ban quản lý phản hồi thỏa đáng trước những quyết định gây khó khăn cho tiểu thương.

Cụ thể, về việc Công ty cổ phần An Đông vướng vào vụ lùm xùm hồi tháng 10/2022 cho đến thời điểm hiện tại, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến những thương nhân có hợp đồng sang nhượng vào giai đoạn năm 2020-2026.

"Hiện tại chúng tôi muốn sang nhượng lại do lớn tuổi hay muốn chuyển nghề, cũng không thể được vì không thể công chứng như trước đây. Như vậy ảnh hưởng rất lớn với việc đầu tư hàng hóa của chúng tôi", tiểu thương trình bày trong đơn kiến nghị.

Từ đó, những tiểu thương kiến nghị rằng thời gian thuê phải có hợp đồng kéo dài 5 năm. Ngoài ra, giá thuê của hợp đồng sang nhượng vào năm 2015 (thanh toán giai đoạn từ 9/9/2016 - 7/10/2016) cần phải giảm 30%.

Bên cạnh đó, người đứng ký hợp đồng thuê phải có giấy chứng nhận không vướng vào lùm xùm của công ty cổ phần An Đông (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Đồng thời, công ty cung cấp số tài khoản cho thương nhân chuyển tiền thuê quầy sạp để thể hiện sự minh bạch.

"Chúng tôi là những tiểu thương gắn bó với An Đông Plaza từ lúc khởi đầu năm 2004 cho đến thời điểm hiện tại. An Đông Plaza cho thuê với giá quá cao, hợp đồng lại rút ngắn, mọi thứ phần lớn chỉ trao đổi bằng miệng hoặc chỉ có phiếu thu, có chữ ký nhưng không có tên người nhận. Tiểu thương tại đây đã quá mệt mỏi với chuyện phải gồng gánh lỗ, giờ còn phải cố bám trụ với những quyết định không hợp lý này", chị Nhung bức xúc.

Được biết, hàng trăm tiểu thương tại An Đông Plaza đã nhiều lần đối thoại với Ban quản lý, nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất chung. Thậm chí, trước đó An Đông Plaza đã từng có ý định tăng giá thuê sạp, nhưng do tiểu thương biểu tình nên đã giữ nguyên giá cũ. Sắp tới, vào ngày 3/3, Ban quản lý tại An Đông Plaza thông báo sẽ có câu trả lời cho đơn kiến nghị của các tiểu thương, chậm nhất là vào 10/3.