Tiêu chuẩn mới trên thị trường lao động, người có kỹ năng nào sẽ lợi thế?
(Dân trí) - Hình mẫu nhân tài số là tiêu chuẩn mới mà thị trường lao động hướng đến. Việc nâng cấp kỹ năng và tư duy của người lao động không còn là sự lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc.
Kỳ vọng về AI ở mức thận trọng
Nhận định về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong doanh nghiệp, ông Trần Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần TopCV Việt Nam cho rằng, trên thực tế thị trường nhân sự hiện nay đã xuất hiện các yêu cầu tuyển dụng nhân sự với điều kiện "biết sử dụng AI".
Ông Hiếu dẫn báo cáo thị trường tuyển dụng 2024-2025 của TopCV, có 46,25% doanh nghiệp được khảo sát khẳng định tuyển dụng chuyên gia AI và nhân tài số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2025.
Bên cạnh đó, phần lớn đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát (33,86%) kỳ vọng trong năm 2025, tỷ trọng nhân viên có khả năng ứng dụng AI trong công việc chiếm khoảng 31-50%.
Tỷ lệ lao động có khả năng ứng dụng AI trong công việc từ 50% trở lên được các đại diện doanh nghiệp lựa chọn ít hơn và chỉ 2,79% doanh nghiệp đặt mục tiêu toàn bộ lực lượng lao động có khả năng ứng dụng AI.
Qua con số trên, ông Hiếu thấy rằng, dù AI được nhìn nhận là quan trọng, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sự kỳ vọng ở mức thận trọng.
"AI đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong cả hoạt động của doanh nghiệp lẫn công việc của người lao động, và tôi nhận thấy việc khuyến khích nhân viên sử dụng AI vào công việc là một xu hướng tất yếu", vị Tổng Giám đốc khẳng định.
Báo cáo tuyển dụng của TopCV nêu con số 26,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng tăng cường đào tạo và phát triển kiến thức, kỹ năng về AI cho nhân viên là yếu tố then chốt trong việc đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, 10,8% đại diện khảo sát đề xuất việc khuyến khích và hỗ trợ sự sáng tạo và phát triển các ý tưởng sản phẩm, kinh doanh mới về công nghệ AI.
Đại diện TopCV cho rằng, việc phát triển ý tưởng sáng tạo với AI hiện được đánh giá cao.
Điều này thể hiện doanh nghiệp sẵn sàng tạo ra các môi trường thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo từ chính nguồn lực nội bộ, từ đó tạo nên những ý tưởng và sản phẩm đột phá dựa trên AI.
Ranh giới mong manh khi sử dụng công nghệ
Ngoài ra, để hạn chế những nhược điểm và phát huy tối đa lợi thế của AI, ông Hiếu cho rằng, bên cạnh tăng cường đào tạo về công nghệ trí tuệ nhân tạo hay khuyến khích đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp có thể cân nhắc xây dựng chính sách minh bạch về việc sử dụng AI.
Doanh nghiệp nào sẵn sàng đón nhận và thúc đẩy nhân viên sử dụng AI sẽ có lợi thế cạnh tranh.
Bởi họ không chỉ bắt kịp xu hướng thay đổi nhanh chóng của thị trường, tận dụng được điểm mạnh của công nghệ mới mà còn tạo môi trường làm việc hiện đại, hấp dẫn thế hệ nhân tài số.
Đối với người lao động, vị này cho rằng, việc nâng cấp kỹ năng và tư duy không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Họ cần nhận thức rõ ràng rằng hình mẫu nhân tài số (AI-competent employee) chính là tiêu chuẩn mới mà thị trường hướng đến.
Ranh giới giữa việc "sử dụng hiệu quả" và "lạm dụng" công cụ công nghệ dường như khá mong manh, theo vị Tổng Giám đốc.
Để không bị phụ thuộc hoàn toàn vào công cụ công nghệ, đại diện cho một thế hệ lao động với khả năng làm chủ AI vượt trội với bộ khung năng lực được nâng cấp bao gồm: AI Mindset (tư duy chủ động và trách nhiệm trong việc sử dụng GenAI), AI Technical Skills (khả năng thành thạo ứng dụng AI và tích hợp quy trình), AI Vital Competencies (năng lực học hỏi nhanh và khả năng thích nghi với những thay đổi không ngừng của thị trường), và AI-Driven Social Skills and Collaboration (kỹ năng xã hội và làm việc nhóm ưu việt trong kỷ nguyên AI).
Thực tế kết quả khảo sát cho thấy, người lao động đặc biệt quan tâm tới các khóa học có nội dung thiết thực và sát với nhu cầu công việc như triển khai AI trong môi trường làm việc thực tế, sử dụng công cụ và phần mềm AI....
Điều này chứng minh người lao động có nhận thức về tầm quan trọng của AI và sức ảnh hưởng to lớn của AI lên công việc của họ hiện nay ra sao.
Theo ông Hiếu, việc AI thay thế công việc đơn giản hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần.
Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực trang bị kiến thức và kỹ năng AI, người lao động cần bắt kịp với xu hướng của kỷ nguyên mới và không ngừng củng cố, phát triển bộ khung năng lực cốt lõi của thế hệ nhân tài AI (Gen AI).