Tiền lương phải tạo động lực cho người lao động

Tiền lương chỉ thực sự có ý nghĩa khi giúp người lao động ổn định cuộc sống và có tích lũy cho tương lai

Tại hội nghị người lao động (NLĐ) diễn ra vào trung tuần tháng 4, khi được hỏi vì sao lại đưa các khoản phụ cấp (chuyên cần, năng suất, tay nghề) vào lương cơ bản (LCB), ông Hoàng Trí Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Trí Dũng (chuyên may gia công, tỉnh Bình Dương), trả lời: “Đưa các khoản phụ cấp vào LCB sẽ khiến chi phí trích nộp BHXH, BHYT, BHTN tăng song việc tạo động lực làm việc cho NLĐ còn quan trọng hơn”.

Hành xử tùy tiện

Mức LCB của gần 120 lao động hiện nay là 3,8 triệu đồng/tháng. Nếu cộng thêm các khoản phụ cấp (tổng cộng 600.000 đồng) thì sẽ là 4,4 triệu đồng. Với tập thể công nhân (CN), đây là tin vui bởi nhiều quyền lợi gắn với LCB như tăng ca; các chế độ BHXH, BHTN... sẽ được cải thiện.

Hoàn thiện chính sách thông qua đối thoại là cơ sở giúp quan hệ lao động ổn định
Hoàn thiện chính sách thông qua đối thoại là cơ sở giúp quan hệ lao động ổn định

Các khoản phụ cấp nói trên đã được Công ty TNHH Trí Dũng duy trì kể từ khi thành lập (năm 2010) song chưa được đưa vào LCB. Tháng 6-2015, do khan hiếm đơn hàng, hơn 100 CN phải nghỉ chờ việc. Để giảm chi phí, các phòng ban tham mưu cắt giảm các khoản phụ cấp.

Hậu quả là tập thể CN đã phản ứng gay gắt. Qua đối thoại, ban giám đốc nhận ra việc cắt giảm phụ cấp đã đẩy CN vào khó khăn bởi tiền lương chờ việc không đủ để họ trang trải cuộc sống. Ông Dũng thừa nhận nóng vội và xin lỗi tập thể lao động. Để chứng tỏ thiện chí, khi sản xuất ổn định, ban giám đốc đã bàn bạc với Công đoàn (CĐ) cơ sở đưa các khoản phụ cấp nói trên vào LCB nhằm động viên CN gắn bó lâu dài.

Khi giao kết hợp đồng lao động, một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở quận 12, TP HCM cam kết sẽ thưởng năng suất (từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng) nếu CN làm vượt định mức. Thế nhưng, khi năng suất tăng, ban giám đốc lại tìm cách đẩy định mức lên cao.

Việc làm này khiến nhiều CN không đạt định mức dẫn đến mất trắng khoản thưởng này. Bất bình vì bị o ép, tập thể CN đã lãn công. Đến khi các cơ quan chức năng can thiệp, công ty mới nhận ra thiếu sót và đồng ý sửa đổi. “Các khoản thưởng có ý nghĩa giúp NLĐ cải thiện thu nhập, do vậy doanh nghiệp (DN) cần công khai, minh bạch” - một cán bộ CĐ quận khi tham gia giải quyết tranh chấp đã khuyến cáo như vậy.

Để NLĐ an tâm

Tại hội thảo về tiền lương do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây tại TP HCM, đại diện nhiều CĐ cấp trên cơ sở tại TP HCM phản ánh thực trạng nhiều DN tăng lương chiếu lệ, chưa thực sự động viên NLĐ. Các khoản phụ cấp, trợ cấp tại DN chưa mang tính ổn định và không được đưa vào thỏa ước lao động tập thể khiến CN thấy bất an.

Theo ông Sy Sam Cau, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp, TP HCM), để ổn định nguồn nhân lực, người sử dụng lao động cần minh bạch chính sách tiền lương. Tại Huê Phong, từ nhiều năm qua, khi xây dựng chính sách tiền lương, đãi ngộ, ban giám đốc đều bàn bạc với CĐ cơ sở.

Trên cơ sở đề xuất của CĐ và tình hình DN, cả 2 phía sẽ thống nhất các điều khoản chăm lo và cụ thế hóa trong thỏa ước để làm cơ sở thực hiện. Quyền lợi CN được niêm yết công khai để họ có thể giám sát. Nhờ vậy, nhiều năm qua, công ty không xảy ra tranh chấp lao động, đời sống CN ngày càng được cải thiện.

Ở các công ty như Quảng Việt, Hansae Việt Nam (huyện Củ Chi), Hà Giang (quận Gò Vấp), nhờ chính sách tiền lương minh bạch cùng chế độ đãi ngộ thỏa đáng mà đội ngũ lao động an tâm gắn bó. “Các ý kiến đóng góp liên quan đến quyền lợi số đông CN được CĐ cơ sở ưu tiên xem xét. Trên cơ sở tình hình sản xuất - kinh doanh của DN, CĐ cơ sở sẽ đề xuất chính sách tiền lương, đãi ngộ phù hợp trong quá trình đàm phán. Mục tiêu là phải hài hòa lợi ích cả 2 phía” - ông Trần Văn Hên, Chủ tịch CĐ Công ty Quảng Việt, cho biết.

Theo Khánh An/Bado Người lao động