Tiệm tóc, spa tuyển học viên rồi "xù" lương có thể bị phạt 75 triệu đồng

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều cơ sở làm tóc, làm đẹp thường tuyển học viên học việc mà không trả lương, có nơi còn thu học phí. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 500.000 đồng cho đến 75 triệu đồng.

Tiệm tóc, spa tuyển học viên rồi xù lương có thể bị phạt 75 triệu đồng - 1

Các cơ sở làm tóc thường tuyển phụ việc theo hình thức dạy nghề (Ảnh minh họa: K.H.)

Ở các vùng quê, nhiều cơ sở kinh doanh thường tuyển người phụ việc bằng hình thức dạy nghề, tuyển người học việc. Thường người học việc chỉ được bao ăn ở, dạy nghề trong thời gian vài tháng đến 1-2 năm nhưng không được trả lương hay tiền công, thậm chí có nơi còn thu học phí của người học việc. Trong khi đó, người học việc sẽ học nghề bằng cách trực tiếp làm việc, thao tác công việc thực tế với khách hàng của cơ sở.

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 12/2022 (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), hành vi trên vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Khoản 3 Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: "Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp".

Theo Khoản 1 Điều 14, cơ quan chức năng sẽ xử phạt những người có hành vi thu học phí của người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình; không ký hợp đồng đào tạo với người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình đối với trường hợp người sử dụng lao động không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp quy định tại Khoản 3 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019; không trả lương cho người học nghề, tập nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động…

Mức phạt của các hành vi trên như sau: từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động; từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động; từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động; từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Mức phạt sẽ lên đến 50-75 triệu đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi hoặc bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật; tuyển người dưới 14 tuổi vào học nghề, tập nghề, trừ những nghề, công việc được pháp luật cho phép; tuyển người vào tập nghề để làm việc cho mình với thời hạn tập nghề quá 3 tháng.

Tiệm tóc, spa tuyển học viên rồi xù lương có thể bị phạt 75 triệu đồng - 2

Ngoài ra, người có hành vi trên còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như trả lại học phí đã thu của người học nghề, tập nghề; trả lương cho người học nghề, người tập nghề; nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi hoặc bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.