1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hứa cho đi XKLĐ Nhật Bản để lừa tài sản

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa Nguyễn Văn Bảo (SN 1978, trú ở phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) - Giám đốc Công ty TNHH UFJ ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 139-BLHS. Bị hại trong vụ án là hàng chục người ở nhiều tỉnh, thành phố.

Bị cáo Nguyễn Văn Bảo tại tòa
Bị cáo Nguyễn Văn Bảo tại tòa

Một trong những bị hại là anh Nguyễn Tiến Hùng (SN 1982), trú ở quận 12, TP.HCM. Do muốn được sang Nhật Bản làm việc nên tháng 3-2013, thông qua người giới thiệu, anh Hùng ra Hà Nội gặp Bảo. Nắm được nhu cầu của anh Hùng, Bảo ra sức quảng cáo nếu anh Hùng đi xuất khẩu lao động thông qua Công ty UFJ thì không chỉ có thu nhập cao mà khi hết hợp đồng còn được ở lại Nhật Bản thêm 2 năm.

Đổi lại, anh Hùng phải nộp cho đối tượng 13.000 USD, không kể chi phí học ngoại ngữ. Cũng theo cam kết của Bảo, chỉ trong vòng 3 tháng, kể từ ngày nộp “tiền cọc”, anh Hùng sẽ được sang Nhật làm việc. Trường hợp Công ty UFJ không đưa được anh Hùng ra nước ngoài làm việc sẽ hoàn trả 100% số tiền đã nhận.

Để bị hại này thêm tin tưởng, Bảo nói với anh Hùng là chỉ phải nộp trước 50% chi phí. Số tiền còn lại sẽ đóng nốt khi chuẩn bị lên máy bay. Tin tưởng, từ ngày 17-4 đến 15-8-2013, anh Hùng đã đưa cho Bảo tổng cộng 142 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó dù quá thời gian cam kết rất lâu nhưng anh Hùng vẫn không thể sang Nhật Bản lao động.

Tương tự, được một người giới thiệu, anh Hoàng Vinh Quang (SN 1983, trú ở huyện Đông Hưng, Thái Bình) tìm tới Công ty TNHH Thương mại và tư vấn Việt Nhật (ở Hưng Yên) do anh Phạm Văn Dũng (trú ở huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) làm Giám đốc đặt vấn đề muốn sang Nhật Bản làm việc và được anh Dũng giới thiệu cho Bảo.

Ngày 22-8-2013, anh Quang nộp 20 triệu đồng “đặt cọc” cho Bảo và 8 triệu đồng học tiếng Nhật cho anh Dũng. Nhưng giữa lúc đang học ngoại ngữ thì anh Quang kịp nhận ra nhiều người tuy đã hoàn thành khóa học song vẫn không thể sang Nhật Bản làm việc như cam kết của anh Dũng và Bảo. Hiện, anh Quang tiếp tục yêu cầu Bảo và người liên quan phải hoàn trả 24 triệu đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan công an làm rõ, Công ty UFJ không hề có chức năng xuất khẩu lao động ra nước ngoài, kể cả Nhật Bản. Thế nhưng, Nguyễn Văn Bảo vẫn quảng bá trên Internet và rêu rao khắp nơi là đối tượng hoàn toàn có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động với chi phí bình quân 13.000 USD/trường hợp. Bằng thủ đoạn ấy, từ tháng 11-2012 đến tháng 8-2014, Bảo đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 3,3 tỷ đồng của 36 người, trong đó có 10 trường hợp thông qua công ty của anh Dũng.

Bị đưa ra tòa xét xử, Nguyễn Văn Bảo bất ngờ trưng ra một số giấy tờ thể hiện đối tượng từng đưa hàng trăm triệu đồng cho anh Phạm Văn Dũng để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên có mặt tại phiên tòa, những người trong diện được Bảo trả lại một phần tiền đều cho biết họ chưa nhận được gì. Do đó, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội buộc phải hoãn tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Theo An ninh Thủ đô