1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thưởng Tết khó có đột biến

Mức thưởng Tết năm nay bình quân là một tháng lương cơ bản và dự báo khó có đột biến so với năm 2016.

Tại TP HCM, đến chiều 26-12, tỉ lệ doanh nghiệp (DN) báo cáo tình hình lương, thưởng Tết vẫn còn thấp. Các DN báo cáo là những đơn vị hoạt động ổn định tuy nhiên mức thưởng ít đột biến, chủ yếu là 1 tháng lương cơ bản (LCB)

Bình quân 1 tháng lương

Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Trưởng Phòng Lao động Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM, cho biết đến chiều 26-12, chỉ có khoảng 300/1.000 DN trong các KCX-KCN TP báo cáo tình hình lương, thưởng Tết Đinh Dậu. Mức thưởng bình quân là 1 tháng LCB, một vài DN thưởng hơn 1 tháng lương.

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại các DN hoạt động trong KCX-KCN TP cho thấy mức thưởng Tết theo công bố là 1 tháng lương. Ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty Ever Win (100% vốn Đài Loan; KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức,

Mức thưởng Tết bình quân tại các doanh nghiệp là một tháng lương cơ bản Ảnh: KHÁNH AN
Mức thưởng Tết bình quân tại các doanh nghiệp là một tháng lương cơ bản Ảnh: KHÁNH AN

TP HCM), cho biết dù tình hình sản xuất - kinh doanh không thuận lợi nhưng ban giám đốc vẫn cố gắng bảo đảm thưởng Tết 1 tháng lương để động viên công nhân (CN) làm việc trước thềm năm mới. Còn ông Đoàn Văn Vỹ, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Trường Lợi (KCN Bình Chiểu; quận Thủ Đức, TP HCM), cho hay mức thưởng Tết năm nay bằng năm trước, cụ thể là 1 tháng lương thực lãnh.

Ghi nhận tại các quận, huyện đến chiều 26-12, số lượng CĐ cơ sở báo cáo tình hình lương, thưởng Tết còn khá khiêm tốn. Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 8, cho biết mức thưởng Tết cao nhất trong số 81/449 DN đã báo cáo tính đến thời điểm hiện tại thuộc về một DN có vốn đầu tư nước ngoài với 39,925 triệu đồng. Ở các đơn vị còn lại, mức thưởng bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người; chưa có đơn vị nào báo cáo không thưởng Tết.

Qua khảo sát có một DN đang gặp khó khăn, phải giải thể và LĐLĐ quận đang lên danh sách lao động tại đơn vị này để có kế hoạch chăm lo, hỗ trợ. Tại quận 12, hiện có hơn 70 DN báo cáo tình hình thưởng Tết với mức thưởng bình quân là 1 tháng LCB. Trong đó, đáng lưu ý mức thưởng cao nhất đến thời điểm này là 89,2 triệu đồng (Công ty CP SX-TM Nam Hoa). Qua rà soát địa bàn, dự báo có khoảng 46 DN gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng Tết do khó khăn về đơn hàng và tài chính.

Tại các quận 3, 6, Tân Bình và huyện Hóc Môn, mức thưởng Tết phổ biến vẫn là 1 tháng LCB. “Các đơn vị thưởng từ 2-3 tháng lương với mức thưởng 70-80 triệu đồng ở những năm trước đến nay vẫn chưa gửi báo cáo” - bà Đinh Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 3, cho biết.

Theo LĐLĐ huyện Hóc Môn, dự báo ban đầu trên địa bàn huyện có gần 50 DN gặp khó khăn trong vấn đề nâng lương và thưởng Tết cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tình hình tại 44 DN thì chỉ còn 7 DN chưa có kế hoạch thưởng Tết hoặc dự chi ứng lương tháng 1-2017 thấp do gần đây gặp khó khăn về đơn hàng. “LĐLĐ huyện sẽ tiếp tục nắm tình hình tại các đơn vị này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ” - ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ huyện, cho biết.

Dệt may gặp khó, da giày lạc quan

Năm 2016 là năm các DN dệt may gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, do vậy dự đoán đây là lĩnh vực mà NLĐ khó có mức thưởng Tết ổn định. “Tác động của tình hình kinh tế thế giới cùng với sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia trong khu vực khiến tốc độc tăng trưởng bình quân của dệt may trong năm 2016 chỉ đạt 5,5%. Khó khăn về đơn hàng cùng với sự gia tăng chi phí khác như thuế, tiền lương, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp buộc các DN phải gồng mình nếu muốn chăm lo Tết cho NLĐ” - ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết.

Theo ông Hồng, gặp khó khăn nhất trong việc thưởng Tết vẫn là DN nhỏ và vừa; nguyên nhân do sức cạnh tranh của các DN có hạn trong khi phải đối diện với những khó khăn trong vấn đề nâng lương, trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Tuy nhiên, để ổn định lực lượng lao động sau Tết, các DN buộc phải xoay xở để nâng lương và thưởng Tết cho NLĐ. “Mức thưởng bình quân ở các DN dệt may ước khoảng

1 tháng lương, chứ không thể cao hơn” - ông Hồng chia sẻ. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, giám đốc một DN gia công hàng may mặc xuất khẩu tại TP HCM, bày tỏ: “Lo cho CN lương tháng 13 là DN đã phải vất vả. Hy vọng sang năm 2017 tình hình sẽ sáng sủa hơn”.

Trong khi đó, ở lĩnh vực da giày, dự báo tình hình thưởng Tết có vẻ lạc quan hơn. Một chuyên gia theo dõi lĩnh vực này dự đoán mức thưởng Tết Đinh Dậu năm nay bình quân khoảng trên 5 triệu đồng/ người. Ghi nhận tại các DN cho thấy tình hình đơn hàng rất khả quan, nhiều DN bảo đảm đủ việc làm đến hết quý I/2017 cho CN.

Bà Trần Di Lynh, Giám đốc Công ty TNHH Giày da Vĩnh Phong (quận Bình Tân), cho biết hiện 400 CN đang nỗ lực hoàn tất những đơn hàng trước Tết theo yêu cầu của đối tác. Sau Tết, CN vẫn được ổn định việc làm đến hết tháng 3-2017. “Công ty vừa điều chỉnh lương tối thiểu cho toàn bộ CN, trong đó mức thấp nhất là 260.000 đồng, cao nhất là 400.000 đồng. Riêng mức thưởng Tết năm nay là 1 tháng LCB (bình quân 5 triệu đồng/người), cao hơn 1 triệu đồng so với năm ngoái” - bà Lynh xác nhận. Ngoài việc sớm công bố lương, thưởng Tết để CN an tâm làm việc, công ty quyết định cho CN nghỉ Tết đến mùng 10.

Giám sát chặt việc chi trả lương, thưởng Tết

Đây là lưu ý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với lãnh đạo các tỉnh, thành phố khi thực hiện các biện pháp nhằm ổn định quan hệ lao động trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán. Theo đó, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật lao động tại các DN, nhất là việc chi trả lương, thưởng Tết cho NLĐ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố theo dõi sát tình hình quan hệ lao động tại các DN, nhất là các DN trong KCX-KCN và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đình công; cập nhật tình hình biến động lao động sau Tết để có biện pháp hỗ trợ DN trong trường hợp thiếu hụt lao động.

V.Duẩn

Ông Nguyễn Tất Năm - Trưởng Phòng Lao động - Tiền công - Tiền lương Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM:

Mức thưởng sàn nhỉnh hơn năm ngoái

31-12 là hạn chót các DN báo cáo thưởng Tết về sở nên tới thời điểm này chưa có số liệu cụ thể về mức thưởng Tết. Tuy nhiên, căn cứ vào số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP thì số lượng các DN giải thể, ngừng hoạt động giảm hẳn cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các DN ít gặp khó khăn hơn mọi năm. Do vậy, dự báo mức thưởng sàn sẽ nhỉnh hơn mọi năm một chút, song mức thưởng cao nhất khó cao hơn năm ngoái (2 tỉ đồng/người).

Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX Mây tre lá Ba Nhất:

Kịp thời tri ân người lao động

NLĐ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của DN, do vậy họ cần được ghi nhận và tri ân một cách xứng đáng. Từ suy nghĩ ấy, chúng tôi xem việc chăm lo Tết cho NLĐ không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý. Không dừng lại ở thưởng Tết, năm nay, chúng tôi còn cố gắng tổ chức 5 chuyến xe đưa rước CN về quê đón Tết ở Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi. Đối với công nhân các tỉnh khác, HTX sẽ hỗ trợ tiền vé tàu, xe với mức từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/người.

Ông Đinh Cao Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Nghĩa Cao:

Khó mấy cũng lo thưởng Tết cho CN

Việc thưởng Tết từ nhiều năm nay đã trở thành nếp của nhiều DN. Theo tôi, dù khó khăn hay không thì DN cũng phải có trách nhiệm thưởng Tết cho NLĐ, bởi có như vậy mới động viên họ gắn bó lâu dài với nơi làm việc. Năm nay, dù tình hình đơn hàng không dồi dào nhưng ban giám đốc công ty vẫn cố gắng xoay xở mọi cách để thưởng Tết cho CN một tháng LCB. Riêng CN ở các tỉnh Miền Trung bị bão lũ sẽ được giám đốc thưởng thêm 300.000 đồng/người. Chúng tôi xem việc chăm lo tốt cho NLĐ là cách thể hiện văn hóa sẻ chia của DN.

K.An - M.Chi - Th.Nga ghi

Theo Báo Người lao động