Quảng Nam:
Tai nạn lao động rình rập ở những ngành nghề có nguy cơ cao
(Dân trí) - Các vụ tai nạn lao động xảy ra đa số trong các ngành nghề có nguy cơ mất an toàn cao như khai khoáng, công nghiệp chế tạo, xây dựng.
Ngày 27/4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 với chủ đề "Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc".
Thời gian qua, các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều hoạt động để thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Ngoài ra, ngành chức năng đẩy mạnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật với những hình thức phù hợp đến người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trong tỉnh; tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về thực hiện pháp luật an toàn, vệ sinh lao động.
Qua công tác thanh kiểm tra, ngành chức năng hướng dẫn và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; đồng thời, xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số đơn vị, hộ gia đình, cá nhân vi phạm.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế nhưng đã nỗ lực khắc phục khó khăn để ổn định, duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất và thực hiện khá tốt các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Tại lễ phát động, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều bất cập, hạn chế cần phải sớm khắc phục trong thời gian đến.
Theo ông Trần Anh Tuấn, theo báo cáo chưa được đầy đủ từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 274 vụ tai nạn lao động; 4 người chết, 20 người bị thương nặng vì tai nạn lao động.
Đáng chú ý, có 14 vụ tai nạn do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Các vụ tai nạn lao động xảy ra đa số trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, như công nghiệp chế biến chế tạo (52,3%), khai khoáng (20%), xây dựng (16,4%).
Ngoài ra, năm 2022, tai nạn lao động trong khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm 7 người chết, 2 người bị thương nặng.
"Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn cháy nổ trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro, nhất là đối với những cơ sở không thực sự làm tốt công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn cháy nổ", ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu.
Thực tế hiện nay, một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành chưa nghiêm các quy định về kỹ thuật an toàn trong phòng, chống cháy nổ.
Các cơ quan chức năng của nhà nước phối hợp chưa được thường xuyên, đồng bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa sâu rộng; công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện còn ít và chưa tập trung mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở, ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn cháy nổ.
Để thực hiện đúng quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, bảo đảm sản xuất an toàn, bảo đảm an toàn cho người lao động, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức rà soát, đánh giá sát đúng tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong thời gian qua. Từ đó, xác định những việc đã làm tốt cần phát huy và khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam lưu ý, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, nhất là đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề, khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, qua đó hướng dẫn pháp luật và xử lý kiên quyết đối với những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.