An toàn lao động trong nông nghiệp nhìn từ giải pháp phối hợp của 3 Bộ

Dân trí

(Dân trí) - Sau xây dựng và hầm mỏ, lao động trong ngành nông nghiệp là nhóm phải đối mặt với nhiều yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe nhất.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Hội nông dân Việt Nam công bố tại Hội thảo khoa học nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nâng cao an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên nông dân tại tỉnh Nghệ An tháng 6/2022, hàng năm, số nông dân bị tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp lên tới gần 2.000 người; và khoảng 75% số người bị tai nạn thương tích là lao động tạo ra thu nhập chính cho gia đình.

An toàn lao động trong nông nghiệp nhìn từ giải pháp phối hợp của 3 Bộ - 1

Lao động trong ngành nông nghiệp đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động khi tiếp xúc với hóa chất, máy móc nông cụ.

Xét riêng về hiện trạng lưu thông và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật cho thấy, hơn 70% số hộ nông dân mua thuốc ở thị trường tự do; 94% số hộ sử dụng thuốc không có hướng dẫn và chỉ 19,3% có hiểu biết về độc hại của các loại thuốc sử dụng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tai nạn trong khu vực nông nghiệp hiện còn cao là tốc độ cơ giới hóa và tỷ lệ sử dụng hóa chất trong ngành nông nghiệp tăng nhanh, trong khi người nông dân thiếu kỹ năng vận hành. Phần lớn các lao động trong ngành nông nghiệp sử dụng máy móc theo kiểu tự chế, thiếu các bộ phận che chắn an toàn, người lao động chưa hiểu rõ và chưa nắm được các nguyên tắc về an toàn trong sử dụng điện và máy móc nông nghiệp. Họ chủ yếu làm theo thói quen, theo sự mách bảo từ người này sang người khác và từ kinh nghiệm sử dụng của bản thân, do đó, dễ xảy ra tai nạn thương tật đáng tiếc. 

Không những thế, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, người dân còn chủ quan, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, vứt vỏ chai, bao chứa thuốc tại đồng ruộng, sử dụng lượng thuốc vượt mức khuyến cáo, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao.

An toàn lao động trong nông nghiệp nhìn từ giải pháp phối hợp của 3 Bộ - 2

Thao tác, lao động với máy cày cấy, gặt đập, người nông dân cần được hướng dẫn kỹ năng an toàn.

Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, Bộ Y Tế và Bộ Lao động Thương binh - Xã hội đã thực hiện hàng loạt sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức, hạn chế tai nạn lao động trong ngành nông nghiệp và phòng tránh sớm những rủi ro của nông dân khi tham gia sản xuất. Theo đó, Bộ Y Tế và Cục An toàn Lao động đã sớm xây dựng mô hình kết hợp các dịch vụ y tế lao động và cải thiện điều kiện lao động trong nông nghiệp (WIND) giúp người nông dân tìm hiểu một số bệnh, tai nạn lao động hay gặp trong nông nghiệp và các biện pháp dự phòng.

Hội nông dân các tỉnh tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cho nông dân, tập trung nhận diện nguy cơ trong nông nghiệp, trang bị kiến thức về bảo đảm an toàn trong sử dụng máy kéo, máy làm đất; máy gieo trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng; máy thu hoạch và vận chuyển nông sản ở nông thôn; một số loại máy cố định như: máy đập lúa, máy xay xát gạo, bơm nước, máy nghiền, trộn thức ăn gia súc… và các biện pháp xử lý tai nạn lao động trong sử dụng máy nông nghiệp.