Thanh Hóa:

Thu nhập khủng từ chế biến "sâm của người xứ Thanh" đưa ra thế giới

Bình Minh

(Dân trí) - Mệnh danh là "sâm của người xứ Thanh", cây rau má được một công ty chế biến thành nhiều sản phẩm như thạch, nước uống, trà… Đặc biệt, bột rau má được bán sang Nhật với giá 6 triệu đồng/kg.

Nông dân thu tiền triệu từ cây rau má

Cây rau má, loài cây mọc tự nhiên, chủ yếu dùng để chế biến món ăn, thức uống, gần gũi với đời sống của người Thanh Hóa, nay đã có hướng phát triển mới, trở thành loại nông sản đem lại giá trị thu nhập cao cho nông dân. 

Dù đã có 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực làm cửa nhôm, nhựa, lõi thép, nhưng chỉ sau hai chuyến tham quan Nhật Bản và Israel cùng Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, anh Trần Văn Tân (Quảng Xương, Thanh Hóa) quyết định rẽ hướng sang làm nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Thu nhập khủng từ chế biến sâm của người xứ Thanh đưa ra thế giới - 1

Cây rau má được công ty anh Tân trồng ở Quảng Tân, huyện Quảng Xương.

Sau khi gặt hái thành công với mô hình dưa lưới cùng hàng chục loại rau quả theo mô hình nông nghiệp thông minh, anh Tân nghĩ đến phát triển cây rau má - loại cây được mệnh danh là "sâm của người xứ Thanh".

"Rau má là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, là loại cây gắn liền với văn hóa, lịch sử xứ Thanh, sao mình không biến tiềm năng thành lợi thế, phát triển thành sản phẩm thương mại?", anh Tân chia sẻ.

Nghĩ là làm, anh liên kết với các hợp tác xã tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để triển khai mô hình liên doanh liên kết với nông dân để thâm canh rau má nguyên liệu.

Thu nhập khủng từ chế biến sâm của người xứ Thanh đưa ra thế giới - 2

Nông dân sau khi được bao tiêu sản phẩm đã chuyển đổi nhiều diện tích đất hoa màu cho năng suất thấp sang trồng rau má cho hiệu quả cao (Ảnh: CTV).

Theo anh Tân, việc người nông dân chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây rau má mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây rau má sau khi gieo trồng thì khoảng 45 ngày có thể thu hoạch. Sản lượng thu hoạch mỗi sào (500m2) từ 5-6 tạ, vào mùa đông và mùa khô, sản lượng sẽ kém hiệu quả hơn vì đây là giống cây ưa nước.

Thu nhập khủng từ chế biến sâm của người xứ Thanh đưa ra thế giới - 3

Rau má được đưa về công ty và chế biến thành nhiều sản phẩm.

Do đặc thù là cây ngắn ngày nên người dân chủ yếu trồng theo kiểu "cuốn chiếu", sau khi thu hoạch lứa này thì lứa khác sẽ đến vụ. Chính vì thế, cây rau má được người dân thu hoạch quanh năm. Mỗi hộ dân trồng 5-7 sào rau má, bình quân thu nhập mỗi tháng 12-15 triệu đồng.

"Rau má có vòng sinh trưởng, phát triển dài, khoảng 10 năm mới phải trồng mới một lần. Như vậy, có thể thấy, rau má cho năng suất gấp 3-4 lần, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa và các cây rau màu khác", anh Tân chia sẻ. 

Đưa rau má ra thế giới

Năm 2021, công ty của anh Tân đã đầu tư lắp đặt dây chuyền sơ chế - chế biến rau má được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, đạt năng suất 1 tấn rau má tươi/ngày.

Thu nhập khủng từ chế biến sâm của người xứ Thanh đưa ra thế giới - 4

Sản phẩm sau khi chế biến được đóng gói cẩn thận.

Sản phẩm rau má của công ty được tỉnh đánh giá OCOP 4 sao. Anh Tân cho hay, có rất nhiều thị trường tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm rau má xứ Thanh. Trong đó, nổi bật là một đối tác ở Ấn Độ, đặt mua rau má tươi 3.000-3.5000 tấn/năm để chiết xuất tinh dầu rau má.

Hiện cây rau má được công ty chế biến thành các sản phẩm như: Bột rau má, thạch, trà, nước đóng chai… và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia…

"Giá bột rau má trong nước từ 1,9-2 triệu đồng/kg, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản thì lên tới 6 triệu đồng/kg", anh Tân nói. Tuy nhiên, mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới của anh là đưa các sản phẩm chế biến từ cây rau má tiếp tục vươn ra thị trường Hà Lan, Đức, Anh và một số nước châu Phi.

Thu nhập khủng từ chế biến sâm của người xứ Thanh đưa ra thế giới - 5

Anh Tân cho biết sản phẩm chế biến từ rau má đã vươn ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Anh Tân cũng cho biết, hiện nay, công ty đã triển khai việc trồng rau má đến các hộ nông dân được 100ha, sẽ phấn đấu mở rộng thêm hàng trăm ha diện tích loại cây trồng này, trong năm 2022; xây dựng nhà máy chế biến rộng 10.000m2.

Thu nhập khủng từ chế biến sâm của người xứ Thanh đưa ra thế giới - 6

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thăm nhà máy chế biến rau má của anh Tân.

"Với mong muốn chế biến để bán cho các nước đối tác như Nhật Bản, Ấn Độ, từ nay đến năm 2025, công ty phấn đấu mở rộng từ 300-500ha diện tích trồng rau má. Mục tiêu của tôi, làm sao để bà con nông dân không còn phải bỏ ruộng, không phải ly hương, có thể sống khỏe trên mảnh đất quê hương mình", anh Tân chia sẻ.