Trồng loại củ cho sợi "dẻo, ngon, thơm" thu tiền triệu dịp Tết

Đăng Đức

(Dân trí) - Dịp Tết năm nay, đồng bào Vân Kiều tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đón Tết sung túc hơn. Nhờ bội thu củ dong riềng, cùng với việc bán được giá cao nên người dân có tiền sắm Tết.

Sinh sống dưới chân đèo Sa Mù - nơi có độ cao gần 1.400 m so với mực nước biển, từ lâu bà con Vân Kiều chỉ biết làm nương rẫy. Những năm gần đây, nhờ lực lượng bộ đội thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Đoàn 337) hướng dẫn cách làm ăn nên cuộc sống ngày càng khởi sắc hơn.

Tết sung túc nhờ dong riềng

Những năm trước, mảnh đất màu mỡ dưới chân đồi ở thôn Xa Ri được người dân sử dụng canh tác lúa và hoa màu, nhưng sản lượng thấp. Sau đợt lũ và sạt lở đất cuối năm 2020, hệ thống thủy lợi bị hư hỏng nên cánh đồng trở nên khô khốc do thiếu nước.

Trước tình hình đó, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 vận động bà con chuyển đổi sang trồng cây dong riềng.

Trồng loại củ cho sợi dẻo, ngon, thơm thu tiền triệu dịp Tết - 1

Bộ đội Đoàn 337 hỗ trợ người dân thu hoạch dong riềng.

"Bây giờ nhìn cánh đồng dong riềng đẹp như vậy nhưng quá trình cải tạo khá vất vả. Sau trận mưa lũ, sạt lở cuối năm 2020, đất đá tràn xuống lấp hết đồng ruộng. Khi bà con chấp thuận chuyển đổi cây trồng, Đoàn 337 đã đưa máy móc vào san gạt cho bằng phẳng, rồi hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật giúp bà con trồng dong riềng", Thượng tá Lê Kế Phát - Giám đốc Công ty xây dựng Đoàn 337 cho hay.

Trồng loại củ cho sợi dẻo, ngon, thơm thu tiền triệu dịp Tết - 2

Người dân xã Hướng Phùng nói rằng, Tết này ấm no hơn nhờ cây dong riềng.

Đang thu hoạch cây dong riềng, ông Hồ Văn Nhơn (ở thôn Xa Ri, xã Hướng Phùng) phấn khởi: "Vụ dong riềng cuối năm, gia đình tui (tôi) dự kiến thu hoạch được 5 tấn củ. Với giá thu mua hiện tại là 2.500 đồng/kg dong riềng thì sẽ bán được hơn 12,5 triệu đồng. Nhờ đó, Tết này tui có thêm tiền để sắm Tết cho gia đình và dư một ít để đầu tư chăn nuôi".

Trồng loại củ cho sợi dẻo, ngon, thơm thu tiền triệu dịp Tết - 3

Vụ dong năm nay, gia đình anh Chỉ, chị Lan sẽ thu hoạch được gần 8 tấn củ, bán gần 20 triệu đồng.

Năm nay, gia đình anh Hồ Văn Chỉ và chị Hồ Thị Lan (ở thôn Xa Ri, xã Hướng Phùng) trồng 2 sào dong riềng. Với sản lượng cao, mỗi sào dự kiến sẽ thu hoạch được gần 4 tấn củ, đến cuối vụ gia đình chị Lan sẽ thu được gần 20 triệu đồng nhờ củ dong. Năm trước, gia đình chị Lan thu được hơn 10 triệu đồng.

"Nhờ bộ đội Đoàn 337 hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng, ngoài ra còn giúp chuẩn bị đất và hướng dẫn chăm sóc nên bà con Xa Ri mới có mùa bội thu dong riềng. Bà con cảm ơn bộ đội Đoàn 337 đã giúp người dân thoát nghèo, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống", chị Lan vui mừng.

Được bộ đội hỗ trợ về giống và kỹ thuật, bà Hồ Thị Nga đã canh tác được 3 vụ dong riềng. Năm nay bà Nga tiếp tục trồng hơn 1 sào cây dong riềng.

Trồng loại củ cho sợi dẻo, ngon, thơm thu tiền triệu dịp Tết - 4

Cây dong mang đến cơ hội thoát nghèo cho hàng chục hộ dân thôn Xa Ri, xã Hướng Phùng.

Theo bà Nga, cây dong riềng đang dần phát huy hiệu quả ở vùng đồi núi Xa Ri, giúp bà con có thêm thu nhập để lo cái ăn, cái mặc, con cái được học hành.

"Vụ Tết năm nay, nhờ bán được củ dong riềng với giá cao nên bà con có tiền sắm Tết, đón một mùa Xuân mới ấm no hơn nên ai cũng phấn khởi", bà Nga chia sẻ.

Anh Hồ Văn Chỉ cho hay, sau khi thu hoạch xong dong riềng, trừ đi các chi phí, vợ chồng anh sẽ sử dụng một khoản nhỏ để mua sắm quần áo mới cho con và các vật dụng trong gia đình. Số tiền còn lại sẽ mua lợn để chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Trồng loại củ cho sợi dẻo, ngon, thơm thu tiền triệu dịp Tết - 5

Người dân thôn Xa Ri cắt cây để chuẩn bị thu hoạch củ dong.

Khoảng 2 tháng cuối năm dương lịch, hàng chục hộ dân ở thôn Xa Ri tất bật thu hoạch củ dong để bán cho Đoàn 337 kịp thời sản xuất miến. Sau vụ thu hoạch, bà con được Đoàn 337 chốt sản lượng và thanh toán đầy đủ để sắm Tết trong gia đình.

"Miến dong Bộ đội 337"

Theo Thiếu úy Nguyễn Văn Hiếu, hầu hết bà con quen với việc canh tác truyền thống nên khi chuyển đổi sang trồng dong riềng còn khá bỡ ngỡ. Do đó, anh em trong đơn vị phải bắt tay chỉ việc, hướng dẫn bà con từng chút. Không những hướng dẫn bà con cách trồng mà các khâu còn lại như bón phân, chăm sóc, hoặc đến kỳ thu hoạch đều có chiến sĩ trong đơn vị giúp đỡ.

Thượng tá Lê Kế Phát - Giám đốc Công ty xây dựng Đoàn 337 - cho biết, từ nhiều năm trước, đơn vị đã đưa cây dong riềng về trồng thử nghiệm ở thôn Xa Ri. Khi trồng thành công, công ty đã thu mua củ và chế biến thành miến.

Trồng loại củ cho sợi dẻo, ngon, thơm thu tiền triệu dịp Tết - 6

Sau các công đoạn chế biến, bộ đội Đoàn 337 bắt đầu đóng gói.

Một thời gian sau, giá nông sản thấp, giá hạt cà phê cũng không cao nên bà con "ngó lơ". Năm 2017, Đoàn 337 quyết tâm vực dậy mô hình trồng dong riềng, nhằm giúp bà con thoát nghèo.

Năm trước, sau đợt lũ gây hư hỏng hệ thống thủy lợi nên Công ty xây dựng Đoàn 337 hỗ trợ giống, cày đất cho 25 hộ đồng bào Vân Kiều ở thôn Xa Ri để chuyển sang trồng dong riềng trên diện tích 10,5 ha đất thiếu nước.

"Sau khi thu hoạch, đơn vị cam kết thu mua hết sản phẩm củ dong cho bà con với giá 2.500 đồng/kg. Năm ngoái chúng tôi thu mua khoảng 120 tấn củ để chế biến dong riềng. Năm nay, sản lượng củ được thu mua tăng lên gấp 3 lần, đạt khoảng 400 tấn. Nhờ giá dong riềng ổn định, cao hơn cây sắn nên bà con phấn khởi, thu nhập của các hộ trồng cũng tăng lên", thượng tá Phát cho hay.

Trồng loại củ cho sợi dẻo, ngon, thơm thu tiền triệu dịp Tết - 7

Sản phẩm "miến dong Trường Sơn" của bộ đội Đoàn 337 hiện có mặt tại thị trường nhiều tỉnh.

Từ củ dong riềng được mua về, qua nhiều khâu chế biến, Đoàn 337 trực tiếp chế biến thành bột để làm miến. Phương pháp làm miến còn thủ công, làm bột sống rồi dùng máy đánh. Sau đó lấy bột tráng thành bánh rồi mới cắt thành miến.

Những năm trước miến dong bộ đội 337 chủ yếu chỉ làm ra để biếu, sử dụng trong lực lượng hoặc chia cho cán bộ chiến sĩ mang về gia đình, hoặc bán cho người quen. Hiện nay, miến dong do bộ đội 337 làm ra có tên là "miến dong Trường Sơn" đã có thương hiệu và được mọi người sử dụng, đặt làm quà để biếu trong dịp Tết. Hiện sản phẩm có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong khu vực.

Theo thượng tá Phát, mỗi kg miến dong thành phẩm được bán với giá 85.000 đồng, mức giá này duy trì mấy năm qua. Vụ Tết năm nay, đơn vị chỉ sản xuất được khoảng 20 tấn miến. Sản phẩm hiện nay có nhiều người đặt mua nhưng không đủ để bán, có khách hàng đặt trước 100 triệu đồng để mua miến dong Trường Sơn.

Trồng loại củ cho sợi dẻo, ngon, thơm thu tiền triệu dịp Tết - 8

Sau công đoạn tráng bánh, cắt sợi là đến phơi miến khô để đóng gói.

Theo vị Giám đốc Công ty xây dựng Đoàn 337, với mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Vân Kiều nơi đơn vị đóng quân, trong năm 2022 sẽ mở rộng diện tích lên 25-30 ha trồng dong riềng. Khi đó, mức giá miến dong Trường Sơn có thể tăng lên để đảm bảo mức sống cho bà con.

Hơn 20 năm công tác tại địa bàn vùng núi Hướng Hóa, thượng tá Phát hiểu rõ đời sống của người dân đồng bào Vân Kiều trên dãy Trường Sơn. Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 luôn tìm mọi cách giúp bà con thoát nghèo.

"Ban đầu người dân địa phương chưa tin về cây dong riềng, nhưng hàng chục năm qua, với những thay đổi do cây dong riềng mang lại đã giúp bà con tin bộ đội hơn. Chúng tôi không chú trọng sản phẩm sẽ mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng trước hết phải giúp được bà con Vân Kiều thoát nghèo, sống được nhờ cây dong riềng", thượng tá Phát khẳng định.