96% người lao động đã quay lại TPHCM làm việc sau Tết

Q.Huy

(Dân trí) - Tính đến sáng nay, hơn 1,9 triệu người lao động đã quay lại TPHCM làm việc. Con số này chiếm 96% số lao động làm việc tại TPHCM và có dấu hiệu khả quan hơn năm trước.

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM chiều 10/2, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, cho biết, tính đến hết sáng nay, hơn 1,9 triệu người, chiếm hơn 96% người lao động, đã quay lại địa bàn để làm việc. Đơn vị này đánh giá, tình hình người lao động quay lại TPHCM khả quan hơn năm trước và có nhiều tín hiệu tốt.

Cụ thể, số người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đã quay lại TPHCM làm việc là 262.000/273.000 người, khu công nghệ cao là 49.700/51.700 người, các doanh nghiệp tại địa phương cũng có tỷ lệ người lao động quay lại làm việc cao.

"Với tình hình này, dự kiến sau ngày 13/2, người lao động trên địa bàn sẽ quay lại làm việc tương đối đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp có chính sách thu hút, giữ chân người lao động tốt và chu đáo. Hiện chỉ còn một số doanh nghiệp nhỏ cho người lao động nghỉ bù, nghỉ phép", ông Nguyễn Văn Lâm thông tin.

96% người lao động đã quay lại TPHCM làm việc sau Tết - 1

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM tại cuộc họp báo (Ảnh: Quang Huy).

Qua nắm bắt nhu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn, sau dịp Tết Nguyên Đán, thành phố cần thêm khoảng 30.000 người lao động thuộc nhiều ngành nghề. Theo hệ thống dịch vụ việc làm, một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao gồm công nghệ thông tin, dệt may, da giày, lương thực thực phẩm... Mức lương tuyển dụng ở mức trên 6 triệu đối với lao động không yêu cầu chuyên môn cao và 8 đến 10 triệu đối với lao động có tay nghề.

Ngoài ra, người lao động cũng được hưởng thêm một số khoản phụ cấp, hỗ trợ như phụ cấp thêm giờ, ăn trưa, doanh thu sản phẩm... cùng một số hỗ trợ khác nhằm thúc đẩy năng suất lao động.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao, thông tin, theo số liệu các doanh nghiệp đã đăng ký, khu công nghệ cao cần thêm khoảng 51.000 lao động cho cả năm 2022. Cụ thể, các doanh nghiệp FDI cần thêm 41.000 lao động, doanh nghiệp trong nước cần thêm khoảng 10.000 nhân công.

Một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao tại khu công nghệ cao gồm may mặc, da giày, cơ khí, điện - điện tử, chế biến lương thực, thực phẩm... Ban Quản lý Khu Công nghệ cao sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB&XH cùng các trung tâm dịch vụ việc làm để kết nối giữa người lao động và các doanh nghiệp có nhu cầu.