Thời gian làm việc bình thường của lao động thời vụ là 8 giờ
(Dân trí) - Thời gian làm việc bình thường của lao động thời vụ/ gia công hàng xuất khẩu là 8 giờ/ngày, cộng làm thêm cũng không quá 12 giờ. Lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại không quá 9 giờ/ngày, 48 giờ/tuần và được nghỉ những ngày lễ theo chế độ hiện hành.
Đó là nội dung đáng chú ý trong Thông tư 33/2011, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ – TB &XH) ban hành thay thế cho Thông tư đã banh hành từ 2003 hướng dẫn thực hiện chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính thời vụ và gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/1/2012. Theo quy định nêu rõ trong Thông tư, ngày làm việc bình thường của lao động là 8 giờ, ngày làm việc nhiều hơn 8 giờ, nhưng không quá 12 giờ. Riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhiều hơn 6 giờ, không quá 9 giờ/ngày, 48 giờ/tuần.
Đối đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm Thông tư quy định thời gian làm việc trên 4 giờ/ngày, nhưng ít hơn 8 giờ; hoặc trên 3 giờ nhưng ít hơn 6 giờ.
Lao động gia công xuất khẩu làm việc không quá 12 tiếng/ngày. (Ảnh minh họa)
Về thời giờ nghỉ ngơi, Thông tư quy định, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày/tuần. Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hàng tuần thì phải bảo đảm bố trí hàng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ bù cho người lao động.
Cùng đó, Thông tư cũng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện chế độ nghỉ trong ca, giữa ca và nghỉ chuyển tiếp giữa hai ca đối với từng người lao động thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Lao động (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, nếu người lao động làm việc 10 giờ/ngày trở lên, doanh nghiệp phải bố trí cho họ được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc, ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường.
P. Thanh