1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc

Vợ của ông Đào Mạnh Trung (Thanh Hoá, email: nguoilangthang@...) công tác tại Trung tâm y tế dự phòng một huyện miền núi thuộc vùng 30a. Từ tháng 11/2015 đến nay vợ ông nghỉ sinh con, hưởng chế độ thai sản.

Trước khi nghỉ sinh, vợ ông Trung được hưởng phụ cấp thu hút. Khi nghỉ sinh, vợ ông Trung chỉ được hưởng tiền thai sản do BHXH chi trả mà không được đơn vị trả lương, phụ cấp thu hút và các khoản phụ cấp khác theo lương.

Ông Trung hỏi, trong thời gian vợ ông nghỉ thai sản, đơn vị không trả lương, phụ cấp thu hút và các khoản phụ cấp khác theo lương có đúng không? Theo quy định thì thời gian hưởng phụ cấp thu hút không quá 5 năm (60 tháng). Nếu thời gian nghỉ thai sản 6 tháng không được hưởng phu cấp thu hút, thì vợ ông có được kéo dài thêm 6 tháng để đảm bảo thời gian tính hưởng phụ cấp thu hút là 60 tháng không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Đào Mạnh Trung như sau:

Theo Điều 4 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người công tác trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thì đối tượng này được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% tiền lương tháng hiện hưởng, bao gồm: mức lương chức vụ, ngạch, bậc hoặc cấp hàm và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có.

Thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và không quá 5 năm.

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 8 Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BTC-BNV ngày 31/8/2011 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thì, cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không được hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP trong khoảng thời gian thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH.

Trường hợp vợ ông Đào Mạnh Trung công tác tại Trung tâm y tế dự phòng một huyện miền núi thuộc vùng 30a thuộc đối tượng hưởng phụ cấp thu hút theo quy định tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP.

Vợ ông Trung nghỉ sinh con 6 tháng từ tháng 11/2015 hưởng chế độ thai sản do BHXH chi trả.

Vào thời điểm vợ ông Trung nghỉ sinh con, Luật BHXH số 71/2006/QH11 đang có hiệu lực thi hành. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 94 Luật này, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung (nay là tiền lương cơ sở).

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 35 Luật này, thời gian nghỉ sinh con, vợ ông Trung được hưởng chế độ thai sản do BHXH chi trả với mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Do phụ cấp thu hút không dùng để đóng BHXH, nên trong mức hưởng do BHXH chi trả không có phụ cấp thu hút.

Thời gian nghỉ sinh con, vợ ông Trung không làm việc nên đơn vị không phải trả lương, phụ cấp thu hút và các phụ cấp khác theo lương cho bà là đúng.

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 116/2010/NĐ-CP, thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và không quá 5 năm. Do thời gian nghỉ sinh con 6 tháng vợ ông Trung không phải là thời gian làm việc, nên thời gian được hưởng phụ cấp thu hút sẽ căn cứ vào thời gian thực tế làm việc 60 tháng.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.