1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thợ làm thuyền thúng chia sẻ công dụng không ngờ của phân bò

Quốc Triều

(Dân trí) - Phân bò tươi được trét đều lên thuyền thúng, sau đó phủ thêm lớp nhựa dầu rái. Đây là cách chống thấm thuyền thúng truyền thống của người dân Quảng Ngãi.

Thôn Đông Yên (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là nơi có hàng chục cơ sở làm thuyền thúng. Đây là nghề truyền thống của người dân Đông Yên.

Thuyền thúng thường được người dân miền biển sử dụng gần bờ, hoặc dành cho ngư dân hành nghề câu mực ở Hoàng Sa, Trường Sa. Mỗi chiếc thuyền thúng liên quan trực tiếp đến sự an toàn của ngư dân, do đó người thợ phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Thợ làm thuyền thúng chia sẻ công dụng không ngờ của phân bò - 1

Một cơ sở sản xuất thuyền thúng ở Đông Yên (Ảnh: Quốc Triều).

Để làm thuyền thúng phải chọn loại tre đặc, không non nhưng cũng không được quá già. Sau khi chọn được thân tre ưng ý, mang về chẻ, vót nan và phơi nắng đủ độ thì đem đan thành mê, đóng cọc làm trụ tạo hình, lận vành.

Theo ông Nguyễn Văn, thợ làm thuyền thúng, để làm được chiếc thuyền thúng phải mất 15 công thợ. Có nghĩa là nếu 1 người làm phải mất 15 ngày.

Loại tre làm thuyền thúng được mua tại các huyện miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi cây dài khoảng 10m có giá 90.000 đồng. Một thuyền thúng cần 15 cây tre.

Một cơ sở làm thuyền thúng có 3-5 lao động. Mỗi người làm một công đoạn. Người vót nan, đan mê để làm thành lòng thúng. Người làm vành, lận vành, chống thấm.

Thợ làm thuyền thúng chia sẻ công dụng không ngờ của phân bò - 2

Anh Phạm Khải đang hoàn thành khâu cuối cùng để làm ra chiếc thuyền thúng (Ảnh: Quốc Triều).

"Lận vành là khâu khó nhất, cần người thợ có kinh nghiệm. Lận vành phải tròn đều, chắc chắn giúp thuyền thúng bền, không biến dạng", ông Văn cho biết.

Thuyền thúng đan xong được mang đi phơi nắng. Sau khi phơi, người thợ dùng phân bò tươi trét đều lên nan thuyền nhằm làm kín các khe hở, chống thấm nước.

Anh Phạm Khải, chủ cơ sở thuyền thúng, nói rằng kỹ thuật chống thấm bằng phân bò và nhựa dầu rái được truyền lại từ đời cha ông.

Phân bò tươi được thợ trét đều lên thuyền thúng nhằm bịt kín các kẽ hở của nan tre. Sau khi lớp đầu tiên khô, thợ lại trét thêm lớp thứ hai. Đợi phân bò khô dùng nhựa dầu rái quét thêm 2 lớp. Lúc đó thuyền thúng đã hoàn thành.

Thợ làm thuyền thúng chia sẻ công dụng không ngờ của phân bò - 3

Thợ làm thuyền thúng dùng phân bò tươi trét đều để bịt kín các kẽ hở của nan tre (Ảnh: Quốc Triều).

Nhựa được lấy từ cây dầu rái có tác dụng chống thấm rất tốt. Nhựa dầu rái được người dân miền Trung sử dụng từ hàng trăm năm qua.

Phân bò bịt kín kẽ hở của các nan tre, sau đó nhựa dầu rái thấm vào, kết dính lại với nhau rất bền. Lớp chống thấm này tồn tại trong môi trường nước biển 4-5 năm.

Ngày nay, có nhiều loại vật liệu chống thấm nhân tạo khá tốt nhưng giá thành cao. Trong khi phân bò và nhựa dầu rái rẻ, lại có tác dụng chống thấm không thua kém keo nhân tạo. Do đó, người làm thuyền thúng vẫn dùng cách chống thấm truyền thống này.

Thợ làm thuyền thúng chia sẻ công dụng không ngờ của phân bò - 4

Đợi phân bò khô, thợ sẽ quét nhựa dầu rái phủ bên ngoài (Ảnh: Quốc Triều).

"Dùng phân bò và nhựa dầu rái giúp giảm chi phí sản xuất nhưng sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng. Thuyền thúng dùng phân bò, nhựa dầu rái chống thấm có giá 12-13 triệu đồng, dùng keo nhân tạo giá tăng lên 17-18 triệu đồng", anh Khải cho biết.

Hiện ở Đông Yên có khoảng 20 cơ sở làm thuyền thúng, với gần 100 lao động. Mỗi năm, một cơ sở cung cấp ra thị trường 40-50 chiếc thúng. Phần lớn số thuyền thúng này được bán cho ngư dân câu mực ở Hoàng Sa, Trường Sa.