Ngành công nghiệp phá dỡ du thuyền “hái ra tiền” thời Covid-19
Dịch Covid-19 đang đẩy ngành công nghiệp du thuyền đứng bên bờ vực phá sản. Nhiều ông chủ của những siêu du thuyền phải lựa chọn tháo dỡ chúng.
Mới đây, Mỹ gia hạn lệnh cấm đi du lịch bằng du thuyền từ các cảng của nước này cho đến hết ngày 31/10. Các chi phí liên quan đến bến đỗ, bảo trì, lương nhân viên đã buộc nhiều ông chủ của những siêu du thuyền phải lựa chọn tháo dỡ chúng. Điều này đã tạo ra một ngành công nghiệp mới ăn nên làm ra, đó là phá dỡ du thuyền.
Tại bến tàu biển Aliaga, phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ, 5 chiếc siêu du thuyền đang trong quá trình phá dỡ để bán phế liệu. 3 du thuyền khác cũng sắp cập cảng.
Trước đại dịch Covid-19, các bãi phá dỡ tàu cũ ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thường xử lý các tàu chở hàng và container.
"Việc tháo dỡ một du thuyền mất 6 tháng, với 100 công nhân làm việc trên mỗi con tàu. Ngoài ra, không chỉ thép của du thuyền, mà còn cả bàn ghế, sofa, thiết bị nhà bếp và các nội thất khác cũng được bán, làm tăng thêm giá trị kinh tế. Chúng được các khách sạn mua lại", ông Kamil Onal, Chủ tịch Hiệp hội tái chế tàu biển Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết.
Cũng theo ông Kamil Onal, các du thuyền chủ yếu đến từ Anh, Italy và Mỹ. Hiện có khoảng 2.500 lao động đang tham gia công việc tháo dỡ những con tàu du lịch có trọng tải nghìn tấn này.
Cơ sở tháo dỡ này đặt mục tiêu sẽ thu hồi được 1,1 triệu tấn thép từ du thuyền vào cuối năm nay; trong tháng 1, khi Covid-19 chưa bùng phát mạnh con số này chỉ ở vào khoảng 700.000 tấn.
"Chúng tôi đang cố gắng biến cuộc khủng hoảng thành một cơ hội. Không phá dỡ nhanh thì chúng cũng sẽ bị muối biển ăn mòn. Lúc đó thì chẳng thu được một đồng phế liệu nào", ông Kamil Onal chia sẻ.
Dự báo, số lượng du thuyền cập bến để tháo dỡ sẽ còn tiếp tục tăng, giúp ngành kinh doanh phá dỡ tàu biển "hái ra tiền" trong thời gian tới.