1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

An toàn lao động:

Thiếu nhân lực để thanh tra lao động 500.000 doanh nghiệp, 35 triệu lao động?

“Luật An toàn lao động có hiệu lực sau ngày 1/7/2016 sẽ bổ sung thêm 35 triệu lao động thuộc đối tượng điều chỉnh. Trong khi đó, công việc thanh tra lao động hơn 500.000 doanh nghiệp đã quá tải với hơn 500 thanh tra ngành LĐ-TB&XH. Bài toán nhân lực đang trở nên bức xúc”.


Thanh tra an toàn vệ sinh lao động sẽ giúp hạn chế tai nạn lao động tại các công trường.

Thanh tra an toàn vệ sinh lao động sẽ giúp hạn chế tai nạn lao động tại các công trường.

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) - trao đổi với PV Dân trí khi bàn về phương án phát triển đội ngũ thanh tra lao động trong Dự thảo Nghị định về lĩnh vực An toàn lao động.

Theo ông Hà Tất Thắng, đội ngũ 500 thanh tra viên LĐ-TB&XH đang phải gánh nhiều nhiệm vụ của ngành như: Thanh tra lao động việc làm, phòng chống tệ nạn xã hội, dạy nghề, người có công, an toàn vệ sinh lao động...

“Ngay trong số 500 thanh tra trên, đội ngũ có chuyên môn phù hợp để thanh tra kỹ thuật an toàn chỉ chiếm khoảng 1/3. Luật An toàn lao động có hiệu lực sẽ làm tăng thêm đối tượng quản lý với 35 triệu lao động khu vực không có quan hệ lao động”.

Trong khi đó, nhân lực ở cấp huyện và xã còn đang thiếu nhiều nên khó có thể hỗ trợ công tác thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh lao động.

“Vừa rồi, Chính phủ đã trình Quốc hội phương án nhân sự thanh tra an toàn vệ sinh lao động ở cả 3 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện. Nhưng Quốc hội mới thống nhất phương án thanh tra ở cấp T.Ư và cấp tỉnh” - ông Hà Tất Thắng nói.

Về phương án tăng cường đội ngũ thanh tra cấp trung ương, đại diện Cục An toàn lao động dự kiến: “Chúng tôi sẽ đề xuất bổ sung thêm đội ngũ chuyên viên của Cục ATLĐ vào lực lượng thanh tra chuyên ngành. Như vậy cùng với đội ngũ thanh tra của Bộ có sẵn, lực lượng thanh tra viên cấp TƯ sẽ có thể được bổ sung hơn. Mặt khác, một số bộ, ngành có lĩnh vực đặc thù như hàng không và hàng hải đã có đội ngũ thanh tra đặc thù riêng”.

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH)
Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH)

“Theo kinh nghiệm của nhiều nước, với 500 ngàn doanh nghiệp đòi hỏi lực lượng thanh tra an toàn vệ sinh lao động từ 1.500 - 2.000 người” - ông Nguyễn Anh Thơ, Cục Phó Cục An toàn lao động nói.

Chia sẻ khó khăn của đội ngũ thanh tra cấp tỉnh và thành phố, đại diện Cục An toàn lao động cho rằng, lực lượng thanh tra của Sở LĐ-TB&XH đang thiếu về nhân lực và chưa được được đào tạo chuyên ngành.

“Bởi vậy, đa số họ không biết thanh tra kỹ thuật và điều tra khi tai nạn lao động xảy ra. Trong khi đó, nhiều Sở LĐ-TB&XH đang có mô hình phòng an toàn việc làm. Trong đó tập hợp những cán bộ, kỹ sư có ít nhiều chuyên ngành an toàn lao động”.

Để bổ sung cho đội ngũ thanh tra cấp tỉnh, thành, ông Hà Tất Thắng cho biết: Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất trong dự thảo Nghị định liên quan tới phát triển đội ngũ thanh tra lao động 2 phương án.

Phương án 1, Bộ LĐ-TB&XH sẽ kiến nghị thành lập Chi cục An toàn lao động ở các tỉnh, thành với chức năng chính là thanh tra an toàn vệ sinh lao động. Cơ quan này có con dấu và tài khoản riêng.

Thiếu nhân lực để thanh tra lao động 500.000 doanh nghiệp, 35 triệu lao động? - 3

"Thực chất chỉ là giao thêm nhiệm vụ cho phòng an toàn việc làm chứ không phải là hoàn toàn sinh ra tổ chức mới" - ông Hà Tất Thắng nói.

Ở phương án 2, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất đưa những công chức, kỹ sư của phòng an toàn việc làm đi đào tạo để trở thành thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh lao động. Họ sẽ được giao thêm nhiệm vụ và phối hợp với thanh tra có sẵn của Sở LĐ-TB&XH.

Đây chính là lực lượng tăng bổ sung vào đội ngũ thanh tra an toàn vệ sinh lao động, để cho công tác thanh tra ở địa phương đó thêm hiệu quả.

“Hai phương án đều hướng tới việc bổ sung nhân lực hợp lý, tăng hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành an toàn lao động. Chúng tôi cũng đã tính kỹ tới yếu tố hạn chế tăng biên chế - điều vốn là bài toán khó cho nhiều ngành chứ không chỉ ngành LĐ-TB&XH” - ông Hà Tất Thắng nói.

Hoàng Mạnh

TIN LIÊN QUAN:

Bà Rịa - Vũng Tàu: Lập mạng lưới 3.525 ATVSV tại 363 đơn vị

Theo Liên đoàn lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tới cuối năm 2015, toàn tỉnh có 363 đơn vị có mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV) gồm 3.525 người. Đây là đội ngũ nòng cốt giúp các doanh nghiệp và tổ chức triển khai các hoạt động an toàn vệ sinh, nâng cao kiến thức phòng chống cháy nổ, bệnh nghề nghiệp. Hoạt động của mạng lưới ATVSV đã đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ môi trường, ngăn ngừa sự cố, hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và quyền lợi NLĐ.

Thiếu nhân lực để thanh tra lao động 500.000 doanh nghiệp, 35 triệu lao động? - 4

Giai đoạn 2011-2015 từ Chương trình quốc gia ATVSLĐ, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn cho hơn 630 cán bộ CĐCS, ATVSV; phối hợp với Tổng LĐLĐ VN tổ chức 1 lớp tập huấn cho 50 học viên là cán bộ công đoàn với số tiền 50.000.000đ, qua đó các ATVSV ngày các nắm chắc về pháp luật và thực tiễn sản xuất để hoạt động có hiệu quả tại từng DN. Chỉ tính riêng trong năm 2015, LĐLĐ tỉnh đã phát hành 1.673 tờ rơi, 1480 tờ áp phích về công tác BHLĐ. Các cấp CĐ phối hợp với NSDLĐ tổ chức 225 lớp tập huấn BHLĐ cho 29.555 lượt NLĐ; phối hợp với các DN tổ chức 9 lớp  tập huấn nghiệp vụ công tác BHLĐ cho trên 869 lượt người là cán bộ CĐCS, ATVSV và NLĐ tại các cơ quan, DN.

B.N

Sập mỏ than ở Hòa Bình, 3 người chết và mất tích

Sáng ngày 18/11, tại xóm Đồi (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), một vụ tai nạn sập mỏ khai than khiến 3 công nhân chết và mất tích. Theo Công an tỉnh Hoà Bình, đến 16h cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy một thi thể nam công nhân. Hai nạn nhân bị mắc kẹt còn lại quê ở xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đến sáng 19/11, lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình vẫn đang nỗ lực đưa các phương tiện máy móc vào trong hầm để giải cứu người còn đang mắc kẹt trong hầm sâu khoảng 700m.

Thiếu nhân lực để thanh tra lao động 500.000 doanh nghiệp, 35 triệu lao động? - 5

Theo Đại tá Trần Văn Hoàn, lực lượng chức năng địa phương đã túc trực 24/24 chia thành các nhóm liên tục thay nhau vào trong hầm để khắc phục sự cố. Cũng theo công an tỉnh Hòa Bình: “Tuy nhiên, công tác cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn bởi đường hầm bên trong nhỏ không thể đưa được các máy chuyên dụng vào. Lực lượng chức năng phải đưa máy nổ cỡ nhỏ vào trong và xe rùa để đưa cát ra ngoài tiếp cận nơi các nạn nhân đang mắc kẹt”. Khi mỏ than ở xã Lỗ Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình) bất ngờ sập đổ có 7 công nhân đang thăm dò khai thác. Nay sau đó, 4 người đã kịp chạy ra ngoài, còn 3 người bị mắc kẹt.

D.T