1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Xâm hại tình dục trẻ em ở vùng núi:

Thiếu kỹ năng, trẻ sống cùng nỗi lo xâm hại tình dục

(Dân trí) - Trẻ em gái bị xâm hại tình dục, hầu hết do chưa có kỹ năng để tự bảo vệ mình trước mối đe dọa. Thực tế, tại nhiều địa phương vùng sâu vùng xa, giáo dục giới tính cho trẻ vẫn chưa được chú trọng.

Ngại chia sẻ...kỹ năng

Theo thống kê, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, nhiều nạn nhân là trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết về giới tính, sinh lý đặc biệt là kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục đã khiến trẻ thành nạn nhân.

Tại tỉnh Đắk Nông, hàng chục vụ xâm hại trẻ em, mỗi vụ việc là một đối tượng khác nhau. Kẻ đồi bại luôn ẩn sâu trong các gia đình, thôn xóm, không biết bộc phát lúc nào và rất khó lường. Đôi khi, cũng chính cha, chú, bác ruột lại là kẻ mất nhân tính.

Thiếu kỹ năng, trẻ sống cùng nỗi lo xâm hại tình dục - 1

Nữ sinh lớp 2 là nạn nhân bị chính bác ruột xâm hại tình dục

Điều đó đồng nghĩa rằng, bất cứ trẻ em gái nào cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục. Việc trang bị những kỹ năng cho trẻ là thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, cũng tại một trong những “điểm nóng” về xâm hại tình dục trẻ em này, việc giáo dục giới tính cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí có nơi còn bỏ ngỏ. Sự quan tâm, giáo dục của gia đình, nhà trường, các cấp đoàn thể vẫn như “muối bỏ bể”.

Chị H. (mẹ của một nạn nhân) tâm sự, gia đình đều là nông dân nên “cũng ngại” khi nói đến những chuyện giới tính. Chỉ khi mẹ con ở với nhau, chị mới chia sẻ với con một số biểu hiện từng trải qua khi còn dậy thì.

Thiếu kỹ năng, trẻ sống cùng nỗi lo xâm hại tình dục - 2

Nhiều phụ huynh cho rằng, mình vẫn còn "ngại" khi nói chuyện với con về vấn đề giới tính

Chị H. cũng thừa nhận rằng, chính việc chưa trang bị kiến thức về giới tính, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân và chưa một lần tâm sự cởi mở khiến con gái chị trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục, mang thai khi chưa 15 tuổi.

Tương tự, một giáo viên tại huyện biên giới Tuy Đức cho biết, huyện có nhiều học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Dù học tiểu học nhưng có em đã ở tuổi học THCS. Nhiều nữ sinh đã phát triển về sinh lý, có dấu hiệu của một người phụ nữ nhưng lại không được phụ huynh hướng dẫn cách tự chăm sóc.

Dẫn chứng về việc này, nữ giáo viên kể lại: “Học sinh ngồi trên lớp mà có kinh nguyệt. Nhiều em khác lại tưởng bạn bị té ngã. Ngay cả bản thân em ấy cũng không hiểu mình đang bị gì. Gặp vào tình huống ấy, giáo viên phải nhẹ nhàng giải thích, giúp em thoát khỏi tình huống dở khóc, dở cười”.

Thiếu kỹ năng, trẻ sống cùng nỗi lo xâm hại tình dục - 3

Ngoài chia sẻ của giáo viên, thì học sinh “hiểu về mình” bằng cách tự chia sẻ với nhau

Cũng theo nữ giáo viên, giáo dục giới tính cho các bé gái chưa được phụ huynh quan tâm, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài những kiến thức trong sách vở, những chia sẻ của giáo viên, thì rất bất ngờ khi các em “hiểu về mình” bằng cách tự chia sẻ với nhau.

“Những em cùng tuổi nhưng đã học cấp trên, các em hiểu mình đang phát triển ở giai đoạn nào. Khi về nhà, thấy bạn mình như thế, các em sẽ tâm sự với bạn, giúp bạn hiểu. Nếu trong trường hợp nữ sinh kia, phụ huynh để ý quan sát con cũng như tâm sự với con thì mọi chuyện đã khác”, nữ giáo viên chia sẻ.

Giáo dục giới tính: Đừng "cưỡi ngựa xem hoa”

Thực tế tại tỉnh Đắk Nông lại cho thấy rằng, việc trang bị kỹ năng, kiến thức cho trẻ chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, với thời lượng vài chục phút mỗi học kỳ.

Cô Nguyễn Thị Chiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Sơn (huyện Đắk G’Long) cho biết, trường có đông học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều em không học đúng tuổi nên việc học sinh lớp 3, lớp 4 dậy thì là chuyện bình thường .

Thiếu kỹ năng, trẻ sống cùng nỗi lo xâm hại tình dục - 4

Tình trạng học sinh nam nữ sống chun với nhau xuất hiện ở nhiều địa phương vùng sâu của tỉnh Đắk Nông

Theo nữ hiệu trưởng, đối với học sinh tiểu học, các em được tiếp cận những kiến thức về giới tính từ năm lớp 2, sau đó được trang bị thêm cho các năm học tiếp theo. Tuy nhiên, những kiến thức này chỉ dừng lại ở việc giúp trẻ nhận biết giới tính và chăm sóc bản thân.

“Do là địa bàn khó khăn, lại đông học sinh dân tộc thiểu số nên các em rất “yếu” kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản. Dù nhà trường, giáo viên đã tăng cường thông tin  nhưng cũng chưa thấm vào đâu. Để bảo vệ mình, bảo vệ các trẻ em gái, việc giáo dục giới tính phải đẩy mạnh hơn nữa và cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành, trong đó có Hội đoàn thể và ngành lao động xã hội”, nữ hiệu trưởng nhận định.

Thiếu kỹ năng, trẻ sống cùng nỗi lo xâm hại tình dục - 5

Việc giáo dục giới tính cho học sinh tại Đắk Nông vẫn chưa được chú trọng

Để phòng tránh cho học sinh khỏi những mối nguy hại, Trường Tiểu học Quảng Sơn đề nghị giáo viên nắm bắt chung sự phát triển (yếu tố sinh học) của các em trong lớp, qua đó mở rộng thêm những kiến thức thực tế để các em có thêm kỹ năng.

Tương tự, thầy Nguyễn Văn Chung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô) cũng đánh giá, chỉ có những kiến thức trong sách vở thì chưa đủ, vì hiện nay nhiều học sinh bậc tiểu học đã phát triển, cơ thể đã dần hoàn thiện.

Thiếu kỹ năng, trẻ sống cùng nỗi lo xâm hại tình dục - 6

Trẻ em gái của tỉnh Đắk Nông bày tỏ quan điểm về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em tại Diễn đàn trẻ em

Thầy Chung cho rằng, dù hàng năm nhà trường đều mời Hội phụ nữ xã, Đoàn thanh niên, cán bộ y tế về tư vấn, nói chuyện, với nhiều hình thức tuyên truyền sinh động… nhưng vẫn chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Các em được tiếp cận kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản nhưng không sâu.

Từ thực tế trên, ông Đoàn Văn Phương, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đắk G’Long đánh giá, một phần của tình trạng giáo dục giới tính trong trường học như “muối bỏ bể” , cưỡi ngựa xem hoa là thiếu kinh phí, thiếu cán bộ chuyên môn, chuyên gia tâm lý…

Để khắc phục tình trạng này, một trong những đơn vị giáo dục đầu tiên của tỉnh Đắk Nông là Phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa tự bỏ kinh phí, thuê chuyên gia tâm lý, cán bộ y tế về tận trường để nói chuyện với học sinh. Kết quả đạt được là trong những năm qua, địa phương này chỉ xảy ra một vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Dương Phong

Bài 3: Thay đổi nhận thức người lớn, bảo vệ trẻ trước những nguy cơ