1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thị trường Nhật Bản thu hút gần 40.000 lao động Việt Nam trong 7 tháng qua

(Dân trí) - Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), qua 7 tháng đầu năm 2019, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 79.428 lao động, đạt 66,19% kế hoạch năm 2019. Thị trường lao động Nhật Bản đứng đầu danh sách các “điểm đến” hấp dẫn của lao động Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều thị trường cũng thu hút đông lao động Việt Nam, như: Đài Loan: 32.259 lao động, Hàn Quốc: 4.393 lao động, Rumania: 1.067 lao động.

Một số thị trường thu hút dưới 1.000 lao động Việt Nam, như: Ả rập - Xê út: 706 lao động Malaysia: 300 lao động, Algeria: 256 lao động nam, Macao: 196 lao động…

Theo kế hoạch năm 2019, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dự kiến sẽ đạt con số là 120.000 lao động.

Cũng trong tháng 6 và 7, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều hoạt động ký kết liên quan tới lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Ngày 1/7, tại Tokyo (Nhật Bản), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yamashi Takashi đã cùng trao Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình “lao động kỹ năng đặc định”. 

Việc ký kết cũng nhằm loại trừ các cơ quan trung gian xấu và các hoạt động trái pháp luật liên quan đến lao động kỹ năng đặc định.

Ngày 17/6, bên lề Hội nghị Lao động Quốc tế (ILC) lần thứ 108 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Ngài Nasser Thani Al Hamli, Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã ký bản Ghi nhớ (MOU) trong lĩnh vực giúp việc gia đình. Nội dung của bản MOU giữa Bộ LĐ-TB&XH nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Nguồn Nhân lực UAE quy định quy trình tuyển chọn, đào tạo, trách nhiệm của cơ quan phái cử và tiếp nhận, nội dung hợp đồng lao động và ký hợp đồng với người lao động.

H.M