Cà Mau: Lao động muốn đi XKLĐ nhưng ngại...học ngoại ngữ
(Dân trí) - "Hiện nay, trở ngại nhất khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải kinh phí mà là người lao động phải học tiếng từ 3 - 4 tháng và phải vượt vòng phỏng vấn mới đi được", Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau nói.
Theo đại biểu HĐND tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh này vừa qua có đề án đưa người lao động Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 - 2020. Đây được xem là điểm nhấn để nâng cao chất lượng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh.
Tổng chỉ tiêu mà tỉnh Cà Mau đề ra cho 2 năm (2018 - 2019) là 500 lao động, trong đó năm 2018 là 100 lao động và năm 2019 là 400 lao động.
Tuy nhiên, gần 2 năm qua kết quả không như mong đợi, toàn tỉnh mới có 96 lao động đã xuất cảnh và 76 lao động đang chờ, tỷ lệ đạt được so với chỉ tiêu là rất thấp.
Nói về đề án trên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau- bà Trương Linh Phượng cho biết, thực hiện đề án đưa lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh ký kết với 22 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh để tuyên truyền. Đến thời điểm này, đã có 931 người lao động đăng ký.
Theo bà Phượng, đến nay tỉnh đã đưa được 94 lao động đi nước ngoài, trong đó Hàn Quốc là 20 lao động, Nhật Bản là 55 lao động và số còn lại là các nước khác,…
“Về kinh phí thực hiện, đã hỗ trợ ban đầu cho lao động là 13,8 triệu đồng/người, để học tiếng, khám sức khỏe, làm visa, tiền ăn,… Đến nay đã thanh toán gần 200 triệu đồng cho người lao động. Còn đối với nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội là 2,571 tỷ đồng”, bà Phượng khái quát.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau "giải trình", trong năm 2018, tỉnh chỉ đưa được 66 người đi lao động nước ngoài, không đạt mục tiêu đề ra, là do thời điểm triển khai đề án vào cuối tháng 8/2018, vừa tuyên truyền vận động, người lao động vừa phải học tiếng trong vài tháng, sau đó phỏng vấn đạt mới đi nên chưa đáp ứng được.
“Hiện nay trở ngại nhất của việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải kinh phí, mà là người lao động phải học tiếng từ 3-4 tháng, phỏng vấn đậu thì mới đi được. Nếu như không đậu thì người lao động phải tự học, hoặc có nhu cầu thì tiếp tục ở doanh nghiệp đó để học tiếng, sau khi doanh nghiệp tuyển chọn thì mới được đi”, bà Phượng nói một khó khăn.
Về giải pháp sắp tới, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau - bà Trương Linh Phượng cho biết, Sở sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền vận động đề án với các đối tượng là học sinh lớp 12 vừa thi tốt nghiệp ở các trường THPT trong tỉnh, sinh viên các trường Đại học Cần Thơ, Đại học Tây Đô, bộ đội xuất ngũ và người lao động phổ thông.
Sở cũng rà soát lại các DN đã ký kết hợp đồng xem năng lực có đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện đề án này hiệu quả hơn hay không. “Thường thì qua rà soát lại năng lực, một vài doanh nghiệp còn hạn chế nên việc tuyên truyền vận động chưa được thường xuyên”, bà Phượng thông tin.
"Vừa qua, chúng tôi cũng đã đến thăm một vài doanh nghiệp ở Hàn Quốc và Nhật Bản, thấy thu nhập bình quân của người lao động là trên 30 triệu đồng/tháng. Có một vài người đã gửi tiền về trả cho Ngân hàng chính sách xã hội.
Do đó, một giải pháp nữa là cần động viên người lao động tham gia chương trình này phải có nhu cầu thực sự đi lao động nước ngoài mới được".
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, nguyện vọng của người lao động là tương đối đông, do đó, làm thế nào để đưa lao động đi làm ở nhiều nước chứ không chỉ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,…
“Quan trọng là nắm chắc chỗ doanh nghiệp thực hiện việc này phải đảm bảo pháp lý, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải có hiệu quả, chứ không thể để người lao động đi rồi mà không đảm bảo quá trình lao động hoặc có những tình huống xấu xảy ra”, bà Trương Linh Phượng nêu quan điểm.
Huỳnh Hải