Thị trường lao động toàn cầu khó phục hồi sau đại dịch

Tình trạng khủng hoảng trên thị trường lao động toàn cầu do đại dịch Covid-19 vẫn sẽ tiếp diễn ít nhất đến năm 2023.

Thị trường lao động toàn cầu khó phục hồi sau đại dịch

Cảnh báo mới nhất từ Tổ chức lao động quốc tế ILO được đưa ra trong bối cảnh tốc độ phục hồi việc làm trên toàn cầu còn tương đối chậm, đặc biệt là ở Mỹ - quốc gia có nền kinh tế đứng đầu thế giới.

Chị Vivian - chủ sở hữu nhà hàng Pisticci tại quận Manhattan, Mỹ đang phải tự mình phục vụ các thực khách. Nỗ lực tìm kiếm nhân viên của người phụ nữ này đã không cho kết quả như ý khi phần lớn lao động Mỹ còn khá chần chừ khi quyết định quay trở lại làm việc.

Chị Vivian Forte cho biết: "Tôi chưa từng làm điều này trong đời. Đây là lần đầu tiên đích thân tôi và nhân viên quản lý phải phục vụ toàn bộ nhà hàng. Tất cả là 160 chỗ ngồi".

Thị trường lao động toàn cầu khó phục hồi sau đại dịch - 1

Tiến trình phục hồi của thị trường lao động Mỹ sẽ kéo dài. (Ảnh minh họa: Reuters).

Pisticci không phải nhà hàng duy nhất đau đầu với bài toán nhân lực trong bối cảnh các gói trợ cấp thất nghiệp khiến người Mỹ không còn mặn mà với việc đi làm. Ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm trong tháng 6, tín hiệu tích cực này vẫn chưa đủ để đẩy nhanh đà phục hồi của thị trường lao động toàn cầu.

Ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, nói: "Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm từ mức đỉnh hồi năm ngoái xuống còn 5,5% trong tháng 6 là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, thế vẫn là chưa đủ".

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, ít nhất 220 triệu lao động sẽ vẫn tiếp tục thất nghiệp trong năm nay. Dù con số này được dự báo sẽ giảm dần vào năm kế tiếp, xong vẫn cao hơn khá nhiều so với mức trước đại dịch.

Thị trường lao động toàn cầu khó phục hồi sau đại dịch - 2

Ảnh: Getty Images

Ông Mathias Cormann cho biết thêm: "Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến nhiều nhóm đối tượng lao động dễ bị tổn thương, chẳng hạn như thanh niên, phụ nữ và lao động tay nghề thấp gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu không có các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, những tác động ngắn hạn này sẽ trở thành "vết sẹo lâu dài" cho thị trường lao động".

Theo các chuyên gia, ngay cả khi các quốc gia đưa ra nhiều chính sách giúp phục hồi thị trường lao động, tác động thực sự mà dịch Covid-19 tạo ra được cho là có thể lớn hơn rất nhiều nếu tính tới một vài yếu tố như số giờ làm việc. Ước tính trong năm 2020, số giờ làm việc mất đi tương đương với thời gian làm việc của 144 triệu việc làm.