1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Theo ngành học bị chê "vô dụng" vẫn thu nhập 40 triệu/tháng

Diệp Bình

(Dân trí) - "Mình thấy TikToker quy chụp rằng, ngành học này kia vô dụng là không đúng, quan trọng nhất là năng lực cá nhân. Hiện tại mình vẫn có thu nhập ổn, nuôi dưỡng được bố mẹ thì có phải vô dụng không?"

Vừa qua, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt video với những câu mở đầu như: "Top 3 ngành vô dụng", "top 3 nhóm ngành nghề có nguy cơ thất nghiệp cao", "danh sách những bằng đại học vô dụng chúng ta không nên đăng ký"…

Trong đó, các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự, ngôn ngữ Anh, marketing… được dự đoán sẽ sớm lỗi thời, lạc hậu vì sự phát triển của công nghệ, xã hội, và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai.

Trước quan điểm này, nhiều cư dân mạng đồng tình. Bên cạnh đó không ít ý kiến cho rằng nhận định như vậy không chính xác, gây ảnh hưởng tới việc định hướng của giới trẻ, đặc biệt là những học sinh THPT trước kỳ thi đại học sắp tới.

Theo ngành học bị chê vô dụng vẫn thu nhập 40 triệu/tháng - 1

Những clip giới thiệu về "ngành học vô dụng" nhan nhản trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Sinh viên "ngành học vô dụng" hiện thế nào?

Ra trường với tấm bằng kinh doanh thương mại của trường đại học Văn Lang, chị Thúy Phan (25 tuổi) chia sẻ luôn tự hào khi đang làm đúng chuyên môn tại sàn thương mại điện tử lớn tại TPHCM, mức thu nhập 10-18 triệu đồng/tháng, sau 2 năm làm việc.

"Theo tôi đánh giá, ngành đào tạo này vẫn có thể giúp bạn sinh viên có rất nhiều cơ hội việc làm ở khắp các vị trí khác nhau" - chị Thúy Phan nói.

Theo ngành học bị chê vô dụng vẫn thu nhập 40 triệu/tháng - 2

Chị Thúy Phan chia sẻ ngành học kinh doanh vẫn luôn có nhu cầu lao động rất cao (Ảnh: NVCC).

7 năm trước, chị Vy Trần (25 tuổi) quyết định theo đuổi ngành ngôn ngữ Anh. Sau 2 năm ra trường, chị chọn làm trợ lý, giảng viên tiếng Trung cho người Việt và tiếng Việt cho người Trung, với mức thu nhập 40 triệu đồng/tháng.  

"Tôi thấy các TikToker quy chụp rằng ngành học này kia vô dụng là không đúng, quan trọng nhất là năng lực cá nhân. Hiện tại tôi vẫn có thu nhập ổn, nuôi dưỡng được bố mẹ thì có phải vô dụng không?".

Mặc dù quyết định trở thành giáo viên dạy toán sau 4 năm theo đuổi chuyên ngành ngôn ngữ Anh, Nguyễn Đồng Trưởng (22 tuổi) vẫn không bao giờ hối hận.

Cậu bạn trẻ chia sẻ, ban đầu khi lựa chọn ngành ngôn ngữ, anh luôn bị người thân dè biểu, cho rằng hoặc cả 4 năm đại học mà không khác gì sở hữu một chứng chỉ TOEIC, IELTS. Thế nhưng, đến năm 3 đại học, cậu bạn cảm nhận ngoài kiến thức chuyên môn, thì ngành ngôn ngữ cho cậu nhiều kỹ năng mềm, trong đó lớn nhất là khả năng giao tiếp và sự tự tin trước đám đông.

"Quan trọng vẫn là chính bạn đáp ứng được gì cho thị trường lao động trong tương lai. Đôi khi các môn học chúng ta nghĩ là thiếu thiệt thực nhưng khi vào thực tiễn mới thấy có khá nhiều khía cạnh để ứng dụng" - Đồng Trưởng nói thêm.

Theo ngành học bị chê vô dụng vẫn thu nhập 40 triệu/tháng - 3

Theo Đồng Trưởng, bên cạnh kiến thức chuyên môn, ngành ngôn ngữ Anh giúp sinh viên nhiều kỹ năng mềm khác (Ảnh: NVCC).

Biến ngành học "vô dụng" thành "hữu dụng" 

Các chuyên gia, người có kinh nghiệm trong tuyển dụng, quản lý nhân sự nhận định, việc có ngành học bị gán với cụm từ "vô dụng" thường là soi chiếu theo nhu cầu của thị trường lao động, thu nhập cá nhân. Những nhân sự xuất thân từ nhóm ngành này vẫn đồng ý rằng ngành nghề mình được đào tạo đang có sự bão hòa, được thay thế, tự động hóa bởi máy móc, công nghệ. Những thay đổi đó khiến lo lắng về nguy cơ thất nghiệp sau ra trường là hiện hữu.

Đặc biệt, mới đây, theo nghiên cứu của Goldman Sachs (một ngân hàng đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực đầu tư - PV), hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gây gián đoạn thị trường lao động và ảnh hưởng khoảng 300 triệu việc làm trên toàn cầu.

Dù đánh giá chung thì vậy nhưng mọi sự thành công hay thất bại trên thị trường lao động, yếu tố quyết định nhất vẫn là năng lực cá nhân. Được đào tạo ở môi trường nào chỉ là nền tảng, định hướng với nhân sự.

Mỗi sinh viên cần phải trang bị cho mình thêm nhiều kỹ năng, kiến thức "mềm" khác như kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, sử dụng sự hỗ trợ của khoa học - công nghệ… để không ngừng nâng cao giá trị bản thân.

Theo ngành học bị chê vô dụng vẫn thu nhập 40 triệu/tháng - 4

Theo các nhân sự, việc đánh giá ngành học "vô dụng" dựa trên những tiêu chí chưa chuẩn xác (Nguồn ảnh: Pexels).

Chị Thanh Ngân (24 tuổi, kế toán viên) chia sẻ, ngay từ khi biết bản thân sẽ không theo đúng chuyên ngành ngôn ngữ Anh, chị đã phải bổ sung kiến thức thông qua các khóa học chuyên môn về kế toán ngắn hạn, kỹ năng dùng excel, lên kế hoạch, lập báo cáo.

"Tuy làm không đúng ngành, nhưng tiếng Anh lại là một điều kiện bổ trợ giao tiếp, giúp mình dễ dàng gặp đối tác nước ngoài, thực hiện các văn bản, hợp đồng tại công ty đang làm"  - chị Thanh Ngân nói.

Theo ngành học bị chê vô dụng vẫn thu nhập 40 triệu/tháng - 5

Chị Thanh Ngân chia sẻ học ngành ngôn ngữ Anh bổ trợ cho công việc rất nhiều (Ảnh: NVCC).

Riêng Vy Trần, để trở thành giáo viên dạy tiếng Trung, trong quá trình đại học chị vẫn tận dụng thời gian để học song song thêm chương trình ngôn ngữ thứ 2, đồng thời rèn luyện giao tiếp thông qua các mối quan hệ bạn bè với người bản xứ.

"Tất cả những việc đó mang lại cơ hội để mình biết được đam mê, năng lực và thế mạnh của bản thân" - chị Vy Trần nói.

Theo Nguyễn Đông Trường, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đòi hỏi nhiều hơn các yếu tố tiềm năng ở nhân sự. Để đáp ứng nhu cầu đó, sinh viên phải tự khám phá bản thân, dùng chính kiến thức và trải nghiệm ở đại học để làm bàn đạp phát triển.

"Với ngành ngôn ngữ, mình nhận ra học không chỉ là tiếp thu kiến thức mà còn giúp phát triển tư duy. Chẳng hạn, mình học về kỹ năng phản biện, môn giao tiếp liên văn hóa, được trau dồi khả năng giao tiếp, sự tự tin…" - anh Trưởng nói.

Theo ngành học bị chê vô dụng vẫn thu nhập 40 triệu/tháng - 6

Theo các nhân sự, để đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp, bên cạnh kiến thức chuyên ngành cần có thêm nhiều kỹ năng mềm (Nguồn ảnh: Pexels)

Lời khuyên từ chuyên gia

Trước những video giới thiệu về nội dung ngành học, PGS.TS Nguyễn Phương Chi (hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại Mỹ) cũng đã có những chia sẻ thẳng thắn trên trang cá nhân của mình.

Theo đó, vào năm lớp 12, khi chọn ngành Quốc tế học, cô đã nghe không ít lời bàn ra tán vào. Sau khi ra trường đi làm 2 năm, cô lại học cao học ở nước ngoài với một ngành mà người mới nghe tới đã "nhíu mày": Lãnh đạo Giáo dục (Educational Leadership).

Theo PGS.TS Nguyễn Phương Chi, không có ngành học nào "vô dụng" mà điều quan trọng là người lao động phải biết biến những thứ đã được học thành "hữu dụng".

Vậy nên để đánh giá ngành học nào tốt nhất, nhân sự phải tự hỏi bản thân xem mình thích học gì, thích làm gì, có khả năng gì nổi trội nhất để thấy có thể ghép vào mảnh ghép công việc nào phù hợp với sở trường của mình. 

Thực tế, không ít cử nhân ra trường gặp khó khăn khi tìm việc, ngột ngạt với văn hóa công sở, khổ sở khi phải làm những việc không thích, dễ dẫn tới bỏ việc, mâu thuẫn với gia đình và mắc kẹt nhiều năm.

Theo ngành học bị chê vô dụng vẫn thu nhập 40 triệu/tháng - 7

PGS.TS Nguyễn Phương Chi chia sẻ quan điểm về những clip "review" ngành học vô dụng. (Nguồn ảnh: The present Writer).

Tại "Đối thoại giữa doanh nghiệp và nhà trường", Giám đốc điều hành Saigon Books - TS Nguyễn Tuấn Quỳnh cũng phân tích: "Thực tế cuộc sống đang thay đổi quá nhanh. Công nghệ thay đổi quá nhanh, bản thân doanh nghiệp là người sống còn với việc kinh doanh của mình còn có lúc không theo kịp xu thế được thì chắc chắn sẽ luôn luôn có khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và thực tế cuộc sống. Thay đổi là tất yếu. Đại học hay doanh nghiệp cũng vậy, đều cần tâm thế học hỏi liên tục và học hỏi suốt đời".