1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gia Lai:

Theo chân người dân vùng cao vào rừng leo cây 20m săn "lộc trời"

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Mùa hè, người dân khắp các xã vùng cao huyện Kbang, Gia Lai lại rủ nhau đi săn mật ong rừng. Nhờ "lộc trời" này, bà con có thêm thu nhập khá khẩm.

Săn mật ong trong rừng sâu

Tháng 5, người dân các xã Sơn Lang, Đăk Roong (huyện Kbang, Gia Lai) rủ nhau vào rừng sâu để săn mật ong rừng. Mỗi chuyến đi thường kéo dài cả tuần đến nửa tháng, mỗi người rủng rỉnh bỏ túi hàng triệu đồng.   

Theo chân nhóm 4 người dân tại xã Sơn Lang đi săn mật ong trong trên 4 chiếc xe máy cà tàng, gùi theo gạo, mắm muối... và đồ nghề lấy mật, chúng tôi mục sở thị công việc vất vả nhưng cũng thú vị này.

Theo chân người dân vùng cao vào rừng leo cây 20m săn lộc trời - 1

Mùa săn mật ong rừng bắt đầu từ tháng 5 đến hết mùa hè (Ảnh: Phạm Hoàng).

Khi băng rừng, lội suối hay lúc dừng chân nghỉ ngơi, cả nhóm do Đinh Văn Thiêng (36 tuổi) dẫn đường luôn dõi mắt tìm tổ ong trên ngọn cây cao, trong  bụi rậm. Cũng có lúc phát hiện đàn ong, cả nhóm chia nhau lần tìm theo đến tổ.

Anh Thiêng vừa dẫn đường và nói: "Ong rừng Kbang thường làm tổ trên cây cao, gần nguồn nước. Chúng tôi thường lựa những địa điểm săn mật ong theo kinh nghiệm này".

Theo chân người dân vùng cao vào rừng leo cây 20m săn lộc trời - 2

Anh Thiêng cẩn thận đốt lửa hun khói để đuổi ong ra khỏi tổ (Ảnh: Phạm Hoàng).

Theo dấu một đàn ong, chúng tôi phát hiện tổ ong trên cây cao 20m. Ngay lập tức, anh Thiêng liền chuẩn bị củi khô, lá xanh quấn bên ngoài tạo thành bó đuốc để hun khói cho ong bay khỏi tổ.

Anh Thiêng sau đó cột bó đuốc vào người, mang túi, dao và trùm mảnh lưới vào đầu rồi nhanh nhẹn leo lên ngọn cây để tìm cách lấy mật.

Cận cảnh người dân mạo hiểm săn ong trong rừng

Sau khi hun khói đuổi ong đi, anh nhanh tay cắt từng mảng sáp chứa mật, để lại phần sáp chứa nhộng. Công đoạn lấy mật ong được anh Thiêng thực hiện trong vài phút. Bởi nếu treo mình trên cây quá lâu thì dễ bị đàn ong tấn công.

Theo chân người dân vùng cao vào rừng leo cây 20m săn lộc trời - 3

Niềm vui của người đi rừng khi săn được mật ong ở độ cao 20m (Ảnh: Phạm Hoàng).

Vừa xuống lại gốc cây, anh Thiêng đã khoe: "Mẻ này khoảng 2-3 lít mật. Đây là mật ong rừng chính gốc Kbang rồi, vị không quá ngọt. Càng thử lại càng mê. Ăn mật ong này bị say lúc nào cũng không hay".

Săn được tổ ong đầu tiên, anh Thiêng cùng nhóm tiếp tục lang thang trong cánh rừng nguyên sinh tìm mật. Thỉnh thoảng, anh lại mở điện thoại xem định vị những tổ ong được đánh dấu từ trước.

Theo chân người dân vùng cao vào rừng leo cây 20m săn lộc trời - 4

Tổ ong nằm cheo leo trên những ngọn cây cao (Ảnh: A.N).

Những tổ ong đã được đánh dấu trước, có tổ khi tìm lại thấy vùng chứa mật còn mỏng (mật còn ít) nên cả nhóm hẹn nhau nửa tháng sau trở lại; có tổ bị nhóm khác săn trước.

Săn mật kiếm tiền nhiều, nguy hiểm cũng không ít

Hướng mắt về cánh rừng xanh thẳm, anh Đinh Văn Vất (35 tuổi) cho biết: "Rừng Kbang ẩm nên mùa nào, thức đó. Ở đây có một số sản vật, dược liệu nổi tiếng như quả xoay, mật ong, các loại sâm…

Ngoài công việc trên nương, rẫy, anh em tôi thường vào rừng hái dược liệu về bán, tăng thêm thu nhập. Nhờ vậy mà có tiền nuôi con cái ăn học".

Theo chân người dân vùng cao vào rừng leo cây 20m săn lộc trời - 5

Tiếp cận tổ ong trên ngọn cây cao, người đi săn đối diện không ít hiểm nguy (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Săn mật cũng... hên xui, lúc lấy được vài chục lít, có khi uổng công cả ngày. Có người trước khi đi rừng, lấy một nhánh cây để ngọn cây xoay theo hướng nào thì chọn di chuyển theo hướng đó, đúng kiểu hên xui. Vì thế mới ví mật ong như "lộc trời"", anh Vất bộc bạch thêm.

Theo anh Vất, người dân Ba Na luôn tuân thủ nhiều điều cấm kỵ khi lấy mật, tuyệt đối không được cắt hết cả tổ để ong được tiếp tục sinh sôi. Mọi người dân đều có ý thức bảo vệ rừng, không tác động đến cây hoặc thực vật. Khi thấy những hành động vi phạm lâm luật, người dân đều báo cho lực lượng chức năng xử lý.

Theo chân người dân vùng cao vào rừng leo cây 20m săn lộc trời - 6

Bà con bản địa luôn có những cấm kỵ để không tận diệt nguồn mật ong rừng (Ảnh: A.N).

Mỗi nhóm đi săn mật ong từ 3-5 người, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 dương lịch. Giá mật ong rừng khoảng 400.000-500.000 đồng/lít, số tiền thu được chia đều cho các thành viên trong nhóm.

Sau mỗi chuyến săn mật ong, mỗi người kiếm ít nhất 1-2 triệu đồng. Thời gian đi rừng càng lâu và đi săn càng sâu trong rừng, cơ hội thu nhập khá khẩm càng tăng thêm bội phần.

Theo chân người dân vùng cao vào rừng leo cây 20m săn lộc trời - 7

Người dân bản địa bỏ túi tiền triệu từ nghề săn mật ong rừng (Ảnh: Phạm Hoàng).

Theo những người thợ rừng, nghề săn ong rừng rất nguy hiểm. Những người thợ rừng bị ong đốt vài chục mũi trong một hành trình là chuyện xảy ra như cơm bữa. Khi đuổi mà gặp những đàn ong hung hãn thì mỗi người chạy một hướng để lánh nạn.

Nếu đang trèo lên cao lấy mật mà bị ong vây cắn thì phải bình tĩnh để xử lý, chịu đau đớn để tìm cách xuống từ từ. Vì đang ở trên cây mà buông tay thì không biết hậu quả như thế nào.

Không chỉ ong là trong rừng còn rất nhiều loại bò sát nguy hiểm như rắn và các loại thực vật có độc khiến cơ thể người bị lở loét khi chạm vào.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có diện tích trên 15.000 ha. Tất cả 5 thôn, làng vùng đệm đều được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng (400.000 đồng/ha/năm) của khu bảo tồn theo hình thức giao khoán cho gần 300 hộ người Ba Na ở xã Sơn Lang.

Để có thêm thu nhập, người dân trong khu vực săn mật ong hoặc tận thu những lâm sản phụ. 

"Trong quá trình kiểm tra, bảo vệ rừng, cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện cho người dân kiếm thêm thu nhập từ các loại lâm sản phụ như mật ong, nấm, dược liệu trong vùng đệm của khu bảo tồn. Chúng tôi cũng quyết liệt xử lý nghiêm nếu có trường hợp gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và cây rừng", ông Nguyễn Hồng Quân - Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho hay.