Thế nào là hợp đồng lao động không xác định thời hạn?

Ông Hoàng Minh Thiện (Quảng Ngãi) ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với một doanh nghiệp tư nhân, trong đó có nội dung, thời gian thử việc từ ngày 27/9/2016-27/11/2016, BHXH và BHYT người lao động tự đóng.

Ông Thiện hỏi, hợp đồng nêu trên có phải là hợp đồng dài hạn không? Ông phải tự đóng bảo hiểm có đúng không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Hoàng Minh Thiện như sau:

Điểm a, Khoản 1, Điều 22 và Khoản 1, Điều 23 Bộ luật Lao động quy định, hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp.

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động.

- Công việc và địa điểm làm việc.

- Thời hạn của hợp đồng lao động.

- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

- Chế độ nâng bậc, nâng lương.

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

- BHXH và BHYT.

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Cụ thể các vấn đề ông Hoàng Minh Thiện hỏi, về thời hạn của loại hợp đồng lao động mà doanh nghiệp đã giao kết với ông Thiện là không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Các trường hợp chấm dứt loại hợp đồng lao động này được quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 Điều 36 Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên, trong nội dung hợp đồng lao động, doanh nghiệp và ông Thiện đã ký kết lại có thỏa thuận thời gian thử việc 2 tháng kể từ ngày 27/9/2016 đến ngày 27/11/2016. Theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động thì, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

Do đó, trong thời gian thử việc, nếu việc làm thử không đạt yêu cầu của doanh nghiệp, hoặc không đạt yêu cầu của ông Thiện, thì một trong hai bên có quyền chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước.

Theo Khoản 4, Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, mục thời hạn của hợp đồng phải ghi rõ thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng.

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn doanh nghiệp ký với ông Thiện chưa rõ ràng về thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng, do có lồng ghép nội dung thỏa thuận thử việc. Vì vậy ở mục thời hạn của hợp đồng cần ghi rõ thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng là ngày kết thúc thời gian thử việc (28/11/2016).

Doanh nghiệp hỗ trợ đóng bảo hiểm cho người lao động

Về mục BHXH, BHYT, BHTN trong hợp đồng ghi: "Người lao động tự đóng". Đây là thỏa thuận trái với quy định của pháp luật. Bởi theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản, Điều 2 Luật BHXH thì doanh nghiệp và ông Thiện là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13 thì tỷ lệ đóng BHXH là 26%, trong đó, người lao động đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng lao động đóng 18% (trong đó 3% vào quỹ ốm đau - thai sản; 1% vào quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất).

Theo quy định tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT thì tỷ lệ đóng BHYT là 4,5%; trong đó, người lao động đóng 1,5%; người sử dụng lao động đóng 3%.

Theo quy định của Luật Việc làm thì tỷ lệ đóng BHTN là 2% (trong đó, người lao động đóng 1%; người sử dụng lao động đóng 1% tiền lương tháng), ngoài ra ngân sách Nhà nước Trung ương hỗ trợ tối đa không quá 1% tiền lương tháng đóng BHTN.

Như vậy, tổng tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định hiện hành là 32,5%, trong đó doanh nghiệp sử dụng lao động đóng 22%, người lao động đóng 10,5% tiền lương tháng.

Theo hướng dẫn tại Khoản 9, Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, mục BHXH, BHYT, BHTN trong hợp đồng lao động phải ghi cụ thể:

- Tỷ lệ % tính trên tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động và của người lao động theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

- Phương thức đóng, thời gian đóng BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động và của người lao động.

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Hoàng Minh Thiện cần thiết đề nghị với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sử dụng lao động, thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã ký về nội dung BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.